Nguyễn Thiện Thành (Sinh năm 1919)
Lượt xem: 12503
 Anh hùng lao động, thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thiện Thành là một nhà khoa học được đào tạo chính qui, trưởng thành từ thực tế chiến trường có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển y học nước nhà trên các lĩnh vực điều trị lâm sàng, nghiên cứu khoa học giảng dạy đào tạo và cả trong công việc phổ cập kiến thức y học đến với mọi tầng lớp nhân dân. Có thể nói, ông là nhà khoa học luôn biết chiếm lĩnh thời gian mà tạo hóa giành cho mình để vươn tới đỉnh cao khoa học vì sự nghiệp bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân Việt Nam.

    Nguyễn Thiện Thành – còn có bí danh là Nguyễn Minh Nhân, Nguyễn Trà Vinh trong những năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên chiến trường Nam bộ - sinh năm Kỷ Mùi, 1919 tại làng Phương Trà, tổng Bình Hóa, nay là xã Phương Thạnh, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Thọ, một thầy giáo tiểu học trường tỉnh, người rất có tâm huyết đến việc phát triển sức khỏe giống nòi nên đã có lúc trở thành ông bầu Hội Banh tròn (bóng đá) đầu tiên của tỉnh Trà Vinh. Cụ còn tích cực tham gia các phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ cũng như cuộc vận động dân chủ của Đảng sau này. Vì thế, tên tuổi thầy giáo Thọ thường được các nhà cách mạng lão thành, các bậc cao niên ở Trà Vinh nhắc tới. Mẹ ông, cụ bà Nguyễn Thị Thàng, một phụ nữ nông dân nhưng đảm đang, suốt đời tảo tần, vất vả chăm lo cho chín người con ăn học nên người.

    Lên sáu tuổi, Nguyễn Thiện Thành được cha mẹ cho vào học ở trường Tiểu học Trà Vinh, nhiệm sở của cha. Sau khi học hết tiểu học, cậu được gởi lên Colègge de Mỹ Tho để học ban thành chung, rồi vào lycée Pétrus ký (nay là trường Lê Hồng Phong thành phố Hồ Chí Minh) để hoàn tất chương trình tú tài và ông Ba Thành thuộc lứa học sinh đầu tiên ở Đông Dương không phải nhận bằng Tú tài bản xứ đầy kỳ thị vì niên khóa đó, nhà đương cục cho thống nhất văn bằng Tú tài tây với tú tài bản xứ với bằng tú tài thuộc loại ưu, học sinh Nguyễn Thiện Thành được cơ quan điều hành giáo dục Đông Dương chọn cấp học bổng sang Pháp du học trong các ngành quân sự, chính trị, ngân hàng nhằm đào tạo thế hệ tay sai mới, bổ sung cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Nguyễn Thiện Thành và gia đình đã khẳng khái từ chối. Cậu khăn gối đáp xe lửa lên đường ra Hà Nội thi vào Trường Đại học Y khoa (cùng niên khóa này trường Thuốc Hà Nội thuộc bậc cao đẳng chuyên đào tạo các y sĩ Đông Dương được nâng thành trường Đại học Y khoa chuyên đào tạo bác sĩ). Tại đây, sinh viên Nguyễn Thiện Thành trúng tuyển vào chế độ ngoại trú rồi nội trú bệnh viện.

    Những năm học cuối cùng tại Đại học Y khoa Hà Nội của sinh viên Nguyễn Thiện Thành cũng chính là những năm chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, ảnh hưởng lớn lao đến vận mệnh của đất nước và tiến trình cách mạng. Nhật nhảy vào Đông Dương. Đảng ta chủ trương tích cực chuẩn bị giành chính quyền, các chiến khu được bí mật thành lập ở vùng rừng núi Việt Bắc, Mặt trận Việt Minh ra đời kêu gọi toàn dân đoàn kết, rồi phát xít Nhật đảo chính…. Trước tình hình đó, tổng hội sinh viên tại Hà Nội ra lời kêu gọi sinh viên Miền Nam “hướng về Nam” hàng loạt sinh viên tên tuổi như Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Trần Bữu Kiếm… bỏ trường về Nam xây dựng phong trào cách mạng. Không khí ấy tác động mạnh mẽ đến sinh viên Nguyễn Thiện Thành. Nhưng anh có cách hành động của mình – đó là tập trung hoàn thành việc học, đồng thời bắt liên lạc với cán bộ Việt Minh, giúp mua và hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc men cũng như sẵn sàng lên chiến khu khi có yêu cầu.

    Ngày 19/8/1945, bác sĩ trẻ Nguyễn Thiện Thành tích cực tham gia biểu tình giành chính quyền. Sau đó, anh được bầu vào Hội đồng nhân dân Bệnh viện Bạch Mai, nơi anh đang công tác. Khi tiếng súng Nam bộ kháng chiến nổ ra, Nguyễn Thiện Thành vận động một số sinh viên dự lớp quân sự sẵn sàng lên đường về Nam chiến đấu. Tháng  10 năm 1945, Nguyễn Thiện Thành gia nhập chi đội Nam Tiến Vi Dân, chính thức đứng vào hàng ngũ anh bộ đội cụ Hồ.

    Lên đường Nam tiến, ước nguyện của bác sĩ trẻ Nguyễn Thiện Thành là được trở về vùng quê sông nước thân yêu để đem tài năng, sở học phục vụ cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ruột thịt. Nhưng khi đến khu V, trước yêu cầu bức xúc của chiến trường, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành được quyết định ở lại phụ trách quân y khu V. Tại đây, anh xây dựng đội phẫu thuật phục vụ cho Mặt trận Bô Keo. Sau đó là Đội trưởng Đội phẫu thuật A bảo đảm quân y phía Bắc mặt trận Thừa Thiên.

    Mãi đến cuối năm 1947, bác sĩ Nguyễn Hữu Nghiệp, tổng Thanh tra Cục Quân y quyết định điều bác sĩ Nguyễn Thiện Thành vào chiến trường Nam bộ. Bác sĩ Thành được cử làm Vụ Trưởng Quân y khu IX rồi sau đó trở thành Trưởng phòng Quân y Phân Liên khu miền Tây Nam bộ.

    Về vùng sông nước ĐBSCL, bác sĩ quân y trẻ Nguyễn Thiện Thành như cá trở về nước, thỏa chí vẫy vùng. Ngày đêm, anh ra sức xây dựng hệ thống Quân y kháng chiến ở các đơn vị bộ đội chiến đấu cũng như ở các tỉnh, các huyện thuộc Phân Liên khu. Ông trực tiếp tham gia cứu chữa điều trị cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, đồng bào bị thương vì bom đạn giặc, vì những căn bệnh đặc thù ở vùng sông nước nhiệt đới. Đầu năm 1950, trên đường đi công tác về tỉnh Trà Vinh, không may gặp địch càn quét, bác sĩ Thành bị bắt. Chúng chuyển anh qua khắp nhà lao Trà Vinh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn. Tại khám Virgile, những người lính viễn chinh chuyên canh giữ tù nhân rất đổi ngạc nhiên khi thấy có người tù binh trẻ nói tiếng Pháp rất giỏi và luôn chăm chú đọc đến ngấu nghiến bất cứ mảnh báo, tài liệu nào rơi vào tay anh ta. Hỏi ra mới biết người tù binh trẻ ấy là bác sĩ Quân y Nguyễn Thiện Thành. Qua những lần tiếp xúc với bác sĩ Thành, dần dần những người lính viễn chinh hiểu ra rằng chính họ đang tham gia đàn áp, xâm lược một dân tộc có truyền thống văn hóa, trọng nhân nghĩa yêu hòa bình. Trong số những anh lính viễn chinh đó có một người vốn là sinh viên Y khoa đã ngầm giúp đỡ bằng cách mua và chuyển hộ các tài liệu báo cáo khoa học trên lĩnh vực y tế cho bác sĩ Thành. Ý thức được rằng, mấy năm nay do điều kiện khó khăn của chiến trường nên bản thân không tiếp cận được với các thành tựu y học mới nhất, tranh thủ những ngày tháng trong tù, được sự giúp đỡ của anh lính viễn chinh nọ, bác sĩ Thành ra sức đọc, nghiên cứu, tìm hiểu … anh tin rằng khi được thoát cảnh chim lồng, với những kiến thức mới, anh sẽ phục vụ hiệu quả hơn cuộc chiến đấu anh dũng của Tổ quốc mình.

    Từ những sách báo mà anh lính viễn chinh mua giúp, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bất ngờ đọc được bài báo của H.Vachon đề cập tính hiệu quả khi áp dụng thực tế phương pháp Filatov. Tuy nhiên Vachon rất thận trọng khi cho rằng phương pháp này chỉ là một giả thuyết cần kiểm chứng. Với sự nhạy cảm của một nhà khoa học trẻ được trang bị bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành cho rằng đây là một thành tựu mới của y học và triển vọng áp dụng vào điều kiện thực tiễn của chiến trường miền Nam là rất lớn. Từ đó, ông để tâm nghiên cứu kỹ phương pháp này cả trong cơ sở lý luận lẫn thống kê thực nghiệm

    Sau khi ra tù (bác sĩ Thành được Pháp phóng thích sau khi ta thả Đại tá bác sĩ Quân y Duris bị bắt trong chiến dịch Biên Giới), bác sĩ Nguyễn Thiện Thành bắt đầu áp dụng phương pháp Filatov trong thực tế điều trị. Sau đó, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, ngày 19/5/1951, bác sĩ Thành thuyết trình khoa học về đề tài ứng dụng phương pháp và học thuyết Filatov trước đông đảo cán bộ quân y, chiến thương, cán bộ của tỉnh Cần Thơ tại quân y viện Phân Liên khu miền Tây. Ngày 27/11/1951, phương pháp Filatov chính thức được sử dụng trong điều trị tại chiến trường miền Tây Nam bộ đem lại những kết quả hết sức khả quan làm cho người bệnh phấn khởi, thầy thuốc vui mừng, nhân dân tin tưởng.

    Thời gian trong nhà tù thực dân, tận mắt chứng kiến nhiều tấm gương kiên trung cũng như tấm lòng tận tụy hy sinh vì đồng chí, đồng bào của các Đảng viên Cộng sản đã khiến cho vị trí thức trẻ Nguyễn Thiện Thành cảm phục. Ra tù, ông nỗ lực phấn đấu để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1952, ước nguyện ấy đã trở thành hiện thực - anh đã trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản ngay trên chiến trường vùng sông nước quê hương.

    Năm 1954, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành tập kết ra Bắc. Với kinh nghiệm thực tế trong việc điều trị tại chiến trường những năm qua giúp bác sĩ Thành được đánh giá là một bác sĩ lâm sàng giỏi. Không tự hài lòng với mình, anh lao vào nghiên cứu sách báo, tài liệu như để bù lại khoảng thời gian 9 năm ở chiến trường. Sự nỗ lực tự vượt mình của bác sĩ Thành trở thành tấm gương cho những người thầy thuốc trẻ. Ít năm sau, anh được Đảng và Nhà nước cử đi nghiên cứu sinh về đề tài học thuyết Pavlov tại Viện hoạt động thần kinh cao cấp của Liên Xô. Năm 1960, Nguyễn Thiện Thành bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Y khoa. Luận án này được giới khoa học nói chung và giới thầy thuốc Xô Viết nói riêng đánh giá cao. Sau đó, anh tiếp tục ở lại Liên Xô thêm một thời gian nghiên cứu thêm về lâm sàng hoạt động thần kinh cao cấp, một lĩnh vực còn rất mới mẻ đối với y học Việt nam lúc này.

    Trước khả năng tư duy khoa học mẫn cảm và thái độ lao động cần cù, nghiêm túc, có phương pháp – những điều kiện để trở thành một nhà khoa học chân chính – giới khoa học Xô Viết và Đảng, Nhà nước ta đề nghị Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành thực hiện luận án Tiến sĩ nhưng anh từ chối để trở về nước. Ông thường nói vui: “đời tôi còn một luận án lớn – đó là sức khỏe của thương bệnh binh, đồng bào, đồng chí ở miền Nam ruột thịt còn chìm trong khói lửa chiến tranh”.

        Thời gian này, người bạn đời của ông, cô y tá chiến trường Dương Thị Minh (quê ở xã An Trường, huyện Càng Long) luôn phấn đấu theo gương chồng, vừa nuôi con nhỏ vừa theo học chương trình trung cấp rồi Đại học Y khoa hệ chuyên tu.

    Năm 1964, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân miền Nam ngày một ác liệt đặt ra cho giới y học nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Đó là bệnh sốt rét đang hoành hành; chứng suy kiệt thể trạng do ăn uống thiếu thốn trong môi trường rừng thiêng nước độc … Với những kiến thức tích lũy được, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành hăm hở lao vào chiến trường như người trò nhỏ hăm hở bước vào ngôi trường lớn của thực tế cuộc chiến đấu.

    Vào đến chiến trường, vấn đề đầu tiên mà Phó Tiến sĩ Thành tập trung nghiên cứu là việc điều trị và phòng bệnh sốt rét cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng giải phóng. Từ phương pháp điều trị ở các nước tiên tiến đặt vào điều kiện thiếu thốn trăm bề ở chiến trường Việt Nam, ông góp phần xây dựng phác đồ điều trị hợp lý. Trong đó, chú ý cả hai mặt nâng cao thể trạng bệnh nhân và sử dụng thuốc đặc trị với liều lượng thích hợp, an toàn và công hiệu.

    Năm 1967, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành tiếp tục nghiên cứu sâu về đề tài sốt rét. Lần này, ông cùng tập thể Bệnh viện Quân y K71 nghiên cứu và cho áp dụng điều trị chứng suy dinh dưỡng do sốt rét ở thể địa non trẻ của anh em tân binh bằng sự kết hợp dùng Insuline liều dinh dưỡng với trị liệu Filatov và đường thủy phân bào chế ngay tại chỗ, cung cấp cho cơ thể người bệnh cả Glucose và Fructose.

    Không ngừng ở đó, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành cùng tập thể bệnh viện K71, kể từ năm 1968, hoàn chỉnh phương pháp điều trị bệnh sốt rét ác tính thể đái ra huyết sắc tố. Từ đó đến khi kết thúc cuộc kháng chiến, Bệnh viện K71 đã áp dụng điều trị lâm sàng cho 113 bệnh nhân, giảm tỷ lệ tử vong thấp hơn hai lần so với số liệu khoa học ở những nước tiên tiến.

    Năm 1970, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm Quân y miền kiêm Viện trưởng Viện K71

    Với sự mẫn cảm, tinh tế của một nhà khoa học giàu sáng tạo và từng trải, từ những năm 1971 – 1972, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành nhận thức một vấn đề lớn lao đang đặt ra cho giới y học Việt Nam là gìn giữ và củng cố sức khỏe cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước tuổi mỗi lúc một cao mà vẫn phải làm việc, chiến đấu trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn. Trong tư cách Viện trưởng Viện K71, ông tập trung tìm hiểu thực tế ở các đồng chí cán bộ, các bậc niên trưởng trong vùng. Sau đó, ông thường xuyên tìm đến các nước có trình độ phát triển cao về chuyên khoa điều trị và phòng bệnh cho người có tuổi như Liên Xô, CHDC Đức, Nhật Bản,….

    Sau năm 1975, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Sức khỏe Trung ương kiêm Giám đốc bệnh viện Thống Nhất. Đây là những trọng trách trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho cán bộ lãnh đạo trung cấp, cao cấp và khách quốc tế.

    Năm 1980, Phó Tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước phong tặng học hàm Giáo sư, ngay trong đợt phong học hàm đầu tiên của Nhà nước.

    Năm 1982, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành hợp tác với Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 24 nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất hai loại dược phẩm mới là Kaglutam (tức Kalium Glutamat) và Spirulina Linavina (tảo Spirualina của Việt Nam) có tác dụng chữa một số bệnh về gan, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho người có tuổi.

    Năm 1986, trường Đại học Y Dược thành Phố hồ Chí Minh thành lập bộ môn Tích tuổi học, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam vấn đề tích tuổi và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được đưa vào giảng dạy ở trường đại học thành một bộ môn chuyên biệt. Với tư cách là một chuyên gia đầu ngành cũng như người đầu tiên đặt nền móng cho ngành khoa học này, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được làm chủ nhiệm bộ môn. Ông là người chủ yếu xây dựng chương trình giảng dạy, giáo án, giáo trình cho bộ môn này. Từ đó đến nay, nhiều lớp bác sĩ chuyên khoa Tích tuổi học ra trường, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người có tuổi khắp các tỉnh phía Nam.

    Năm 1989, khi đã bước vào tuổi thất thập, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được Đảng và Nhà nước cho thôi nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất và Chủ tịch Hội đồng Sức Khỏe Trung ương, để ông nhẹ bớt những công việc thuần về hành chánh, sự vụ. Tuy đã chính thức nghỉ hưu nhưng với tinh thần lao động của một nhà khoa học, ông tập trung sức lực và trí tuệ nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực Tích tuổi học.

    Khi đời sống kinh tế nước ta có những chuyển biến sang chiều hướng tích cực, mức sống xã hội mỗi lúc một cao hơn thì chuyên ngành Tích tuổi học ngày càng phát huy vai trò. Năm 1989, Bộ Y tế thành lập Trung tâm tích tuổi học tại thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, Chủ nhiệm Bộ môn Tích tuổi học trường Đại học Y dược Thành phố Hồ chí Minh được Bộ Y tế quyết định cử làm Giám đốc Trung tâm này.

    Tháng 11/1997, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, với tư cách là một chuyên gia về Tích tuổi học, lại được bổ sung vào Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương phía Nam.

    Cùng thời gian này, tại Đại hội toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại tá Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được Đại hội tín nhiệm bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ II (1997-2002).

    Với tấm lòng luôn thiết tha với nơi chôn nhau cắt rốn của mình, liên tiếp hai khóa Quốc hội VI và VII ông về ứng cử tại tỉnh Cửu Long và được nhân dân tỉnh nhà tín nhiệm bầu làm người đại biểu của mình. Tại Quốc hội khóa VI, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa xã hội và tại Quốc hội khóa VII, ông là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật của Quốc hội.

    Trong suốt cuộc đời của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành, có thể nhận ra rằng sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp khoa học luôn gắn bó chặt chẽ nhau. Ông đã chọn và đi suốt cuộc đời cách mạng của mình bằng con đường khoa học và ông cũng luôn tâm niệm rằng khoa học là con đường tốt nhất để ông phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Đến nay, dù đã bước sang độ tuổi tám mươi, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành vẫn giữ sức khỏe tốt, sự tinh anh, mẫn cảm cần thiết trong khoa học cũng như lòng hy sinh, sự tận tình của nhà cách mạng.

   Sự nghiệp khoa học của Giáo sư Nguyễn Thiện Thành bộc lộ những đặc điểm chính:

- Ông luôn có sự phấn đấu nỗ lực tự vượt mình, vươn lên tầm cao khoa học. Từ lúc thiếu niên đến khi tuổi già nghỉ hưu, lúc nào nơi nào ông cũng tận dụng thời gian để học tập, nghiên cứu dù đó là lúc ở nhà lao thực dân, chiến trường bom rơi đạn nổ hoặc khi đã là chuyên gia đầu ngành. Với tinh thần đó, ông luôn nắm bắt với sự nhạy cảm đặc biệt đối với những vấn đề lớn đang và sẽ đặt ra cho nền Y học nước nhà như việc ứng dụng phương pháp Filatov, việc điều trị sốt  rét và di chứng của nó trong điều kiện thực tế của chiến  hoặc vấn đề Tích tuổi học...và ông tự đặt cho mình nhiệm vụ phải vươn lên, chiếm lĩnh những vấn đề đó để phục vụ tốt nhất cho Tổ quốc, cho nhân dân mình.

    Đối với Giáo sư Nguyễn Thiện Thành kiến thức mang tính kinh điển và kinh nghiệm điều trị thực tế đều có giá trị. Chính do vậy, bên cạnh việc tích cực trao dồi kiến thức, ông luôn chú trọng kinh nghiệm điều trị lâm sàng. Ông luôn có mặt ở những điểm nóng chiến trường, trực tiếp cứu chữa và điều trị để đối chiếu, bổ sung cho những kiến thức từ sách vở. Không những thế, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành rất trân trọng đối với kinh nghiệm của các bậc đàn anh, của các đồng sự lẫn các thế hệ thầy thuốc trẻ sau này.

    Là một nhà khoa học chân chính, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành rất coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các đồng sự và các thế hệ thầy thuốc đi sau. Những kiến thức mà ông học tập, nghiên cứu cũng như kinh nghiệm thực tế mà ông tích lũy được đều được truyền thụ tận tình cho mọi người. Do vậy, dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt của những năm chống Pháp ở Phân Liên khu miền Tây hay chiến trường Trung ương Cục, ông đều tìm mọi cách, mọi thời gian để mở lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Y tế. Sau này, trong điều kiện hòa bình, nhất là khi đã nghỉ hưu, việc giảng dạy, đào tạo là một phần quan trọng trong sự nghiệp của ông. Không những thế, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành thường xuyên viết sách, tài liệu nhằm phổ biến kiến thức y học đến với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.

    Vì những cống hiến lớn lao đó, Giáo sư Nguyễn Thiện Thành được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1985.

    Năm 1989, ông được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.