Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập
Lượt xem: 3418
Chiều 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập" theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh, thành phố.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Trà Vinh

 Cùng dự hội nghị tại điểm cầu chính có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước,… Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn cùng lãnh đạo các sở, ngành, Trường Đại học Trà Vinh và đại diện các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh cùng tham dự.

Theo định hướng của Thủ tướng Chính phủ, hội nghị đã tập trung phát biểu ý kiến nhằm phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học công nghệ (KHCN) ở nước ta hiện nay so với vai trò, vị trí trong thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường KHCN; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau; nhận diện những rào cản và vướng mắc trong thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường KHCN.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển thị trường KH&CN đã được tập trung triển khai và cơ bản tạo được môi trường pháp lý cho các hoạt động giao dịch, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Tốc độ tăng giá trị giao dịch hàng hóa KHCN trên thị trường bình quân hằng năm đạt 22%. Hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN có khoảng 22.500 thông tin về nguồn cung công nghệ, 365.000 thông tin về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên chỉ có khoảng 16% các doanh nghiệp coi các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hoá KH&CN. Khoảng 75% công nghệ và thiết bị của doanh nghiệp Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài. Theo thống kê, tổng chi phí mua sắm công nghệ, thiết bị, máy móc của doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 là khoảng 1.1 triệu tỷ VNĐ. Giai đoạn 2014-2016, 61,3% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Các đầu mối trung gian thị trường KHCN từng bước được hình thành với hơn 800 tổ chức, trong đó hơn 20 sàn giao dịch công nghệ đã đi vào hoạt động.

Hiện nay, thị trường KH&CN nước ta còn tồn tại nhiều rào cản như: hành lang pháp lý cho sự vận hành của thị trường KH&CN còn thiếu và chưa đồng bộ với các pháp luật liên quan; thị trường KH&CN Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ các quốc gia đang phát triển, trình độ công nghệ ở mức trung bình thấp; doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phát triển mạnh mẽ thị trường KHCN là một nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo để bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn và các thị trường khác, thị trường KHCN trong nước còn chậm phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, nhiều nơi còn hình thức, thiếu thực chất mà nguyên nhân chủ yếu đến từ những yếu tố chủ quan liên quan đến nhận thức, cơ chế chính sách…

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương xây dựng và lồng ghép kế hoạch phát triển thị trường KHCN vào kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm. Triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Chương trình Phát triển thị trường KHCN quốc gia đến năm 2030. Đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường KHCN với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ lõi thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học để giải mã, hấp thụ và làm chủ công nghệ. Triển khai thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, sớm đưa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước. Đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu lớn để phát triển trí tuệ nhân tạo.

Phương An