Trà Vinh tập trung thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Lượt xem: 4475
Chiều ngày 14/2, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng ĐBSCL về tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tham luận tại hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đã có bài tham luận về kết quả triển khai chương trình MTQG năm 2022 tại tỉnh Trà Vinh cùng với các đề xuất, kiến nghị gửi Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương.

Ông Lê Văn Hẳn cho biết: thực hiện 3 chương trình MTQG, Trà Vinh đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 trên 882,8 tỷ đồng. Đồng thời, đã giao kế hoạch vốn đầu tư công (vốn ngân sách tỉnh đối ứng) giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 550 tỷ đồng; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 20 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân vốn năm 2022 đạt 64,9%. Trong đó, vốn Ngân sách Trung ương giải ngân đạt 51,1%, vốn ngân sách tỉnh đối ứng đạt 90,2%.

Hiện toàn tỉnh có 6/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tỉnh Trà Vinh đã giảm 1,68% tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2021 (giảm 4.803 hộ), vượt 1,18% chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh thực hiện giảm 1,31% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (tương đương giảm 2.218 hộ) chưa đạt mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao là 3%/năm. Do số hộ nghèo của 59 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đầu năm 2022 là 6.581 hộ (chiếm 3,91%) nên khả năng giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 3% trong năm 2022 cũng như những năm tiếp theo của giai đoạn 2022 – 2025 chưa phù hợp thực tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đề xuất Chính phủ sớm ban hành định mức hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Dự án 1 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I để làm cơ sở triển khai thực hiện và giải ngân vốn; xem xét, điều chỉnh Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hàng năm từ 3% xuống còn 1% để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao và các địa phương trong vùng ĐBSCL đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển là 8.790,967 tỷ đồng, chiếm 8,79% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.

Năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình MTQG cho các tỉnh vùng ĐBSCL là 3.279,598 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 9,63% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc.

Tính đến 31/1/2023, các tỉnh ĐBSCL giải ngân ước đạt 1.623,902 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, đạt 70,72% kế hoạch, cao hơn 13,51% so với bình quân chung của cả nước (57,21%).

Năm 2023, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho các địa phương trong khu vực ĐBSCL là 2.232,920 tỷ đồng nhưng đến ngày 31/1, vẫn còn 5/13 địa phương chưa hoàn thành việc phân bổ vốn.

 

Phó Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: VGP/Hải Minh).

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần  Lưu Quang đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và trách nhiệm của các tỉnh vùng ĐBSCL trong tổ chức triển khai các chương trình MTQG.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành ban hành văn bản quản lý, điều hành; hoàn tất việc phân bổ vốn của năm 2023 đã được Trung ương giao; cân đối vốn đối ứng của các địa phương cho các chương trình mục tiêu quốc gia. Các địa phương phải rà soát lại danh mục các dự án, tránh đầu tư dàn trải, manh mún, lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả đầu tư.

Các tỉnh cũng cần tăng cường công tác phối hợp, vì các chương trình MTQG đều có nhiều dự án, tiểu dự án, triển khai trên nhiều địa bàn, lĩnh vực, có sự phân cấp mạnh mẽ; tăng cường kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện vấn đề kịp thời, có hướng giải quyết hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng xử lý.

Phương An

 

 

1 người đã bình chọn