Phát huy phong trào đọc sách theo gương Bác
Lượt xem: 2157
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đột phá ngoạn mục của khoa học kỹ thuật và Internet, văn hóa đọc sách trong cộng đồng cũng rất đáng được quan tâm, nhất là đối với giới trẻ. Hiểu rõ vấn đề đó, thời gian qua, nhiều trường học đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phát huy mạnh mẽ phong trào đọc sách theo gương Bác. Từ đó, giúp mỗi học sinh nhận thức rõ vai trò của sách đối với việc học tập và nâng cao kiến thức. 

     Cô, trò trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành  trao đổi tại tủ sách dùng chung

Xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa đọc trong nhà trường, khơi dậy niềm đam mê khám phá và kích thích khả năng tự học, tự rèn của học sinh, trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành tập trung đầu tư, xây dựng thư viện trường khang trang với nhiều loại sách tham khảo và tạp chí khoa học.

Thư viện trường có diện tích hơn 320m2 thuận tiện cho việc đọc, mượn sách, báo của giáo viên, học sinh.  Bên trong thư viện, ngoài  các giá sách được bày trí gọn gàng, thư viện còn được bố trí đầy đủ bàn, ghế cho giáo viên và học sinh đọc sách hoặc học nhóm, làm bài tập. Bên cạnh đó, thư viện trường còn trang bị 11 máy tính có kết nối wifi nhằm hỗ trợ học sinh tra cứu, tìm kiếm tài liệu nhanh chóng và hiệu quả. Thư viện có hơn 8.000 quyển sách với nhiều thể loại như: khoa học xã hội, lịch sử, văn học, địa lí, sinh học ,…Về báo, tạp chí, thư viện trường  THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành có gần 10.300 bản, như: báo Nhân dân, báo Trà Vinh, Giáo dục thời đại, Lao động, Thanh niên, Tạp chí Tuổi trẻ, Tài hoa trẻ, Hoa học trò, Mực tím…

Để mở rộng không gian đọc sách, nhà trường còn xây dựng mô hình “Thư viện xanh” ngay trên sân trường. Đây là không gian đọc sách lý tưởng và thoáng mát để học sinh thư giãn, tự do trao đổi, chia sẻ kiến thức.

Em Nguyễn Trương Phương Nguyên, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành chia sẻ: Không chỉ riêng em mà những bạn học sinh khác cũng rất thích 2 tủ sách thư viện xanh; thông qua những câu chuyện trong sách tụi em học được từ Bác Hồ những bài học về tình tương thân tương ái, giúp đỡ bạn bè, tiết kiệm, hiếu thảo, hiếu học, qua đó tụi em thấy cuộc sống lạc quan, vui tươi hơn nhiều và cũng học tốt hơn.

 “Thư viện xanh” trong khuôn viên trường được bố trí hợp lý và gần gũi, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của học sinh. Điểm đặc biệt của mô hình “Thư viện xanh” là ngoài những tài liệu tham khảo, sách khoa học, tạp chí do thư viện trường cung cấp, bản thân mỗi học sinh còn tự nguyện đóng góp sách của mình vào tủ sách dùng chung để chia sẻ thông tin với mọi người.

Thực tế, việc phát triển văn hóa đọc cho các em học sinh trong nhà trường là một trong những hoạt động hữu ích và là điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy - học, giúp cho giáo viên và học sinh nâng cao khả năng tự học, tự rèn; hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng quan trọng cho việc học tập suốt đời; đặc biệt là học và làm theo gương Bác Hồ về phương pháp đọc. Lúc sinh thời, Bác từng nói: “Muốn trở thành người hiểu biết phải đọc cho rộng và khi đọc phải có ghi chép và phân loại ngay các thông tin trong sách báo…”. Chính vì thế, tự học, tự đọc chính là tự vươn lên, không ngừng phát triển, nâng cao tri thức để tự hoàn thiện mình.

Cô Trương Thị Thanh Nguyên, Bí thư Đoàn trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành cho biết, qua công trình “Thư viện xanh” này, Đoàn trường rất mong phát huy được tinh thần, văn hóa đọc trong học sinh. Đồng thời, giáo dục cho các em sống và học tập, làm theo Bác trong việc tự học, tự đọc, nâng cao kiến thức. Thông qua những quyển sách, nội dung đó các em sẽ thấy được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với gia đình, trường lớp, xã hội.  

Học sinh kể chuyện sách trong buổi sinh hoạt đầu tuần tại trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành

Năm học 2022 – 2023, trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành có hơn 800 học sinh ở 3 khối lớp 10, 11 và 12. Ngay từ đầu năm học, nhà trường tập trung phát động sâu rộng phong trào tự học – tự rèn theo gương Bác, ngoài việc khuyến khích các em đọc sách ở thư viện, trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm khơi dậy tình yêu sách cho học sinh, tổ chức thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giới thiệu những cuốn sách hay về tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái, khát vọng tuổi trẻ,… trong những buổi sinh hoạt đầu tuần. Bởi, đọc sách làm phong phú thêm kiến thức khoa học cũng như đời sống; đồng thời, giúp các em có thêm vốn từ ngữ cùng những bài học ý nghĩa về giá trị sống và rèn luyện nhân cách.

Em Phùng Cát Tường, học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành bày tỏ suy nghĩ: Em thấy chương trình giới thiệu sách trong tiết mục sinh hoạt chào cờ rất là hữu ích và góp phần đưa sách đến gần với các bạn hơn. Lúc nãy em cũng có giới thiệu quyển sách “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Nikolai A.Ostrovsky, quyển sách này có ý nghĩa là khuyên các bạn trẻ nên cố gắng có lý tưởng sống và sống cống hiến.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Quốc Phong, Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Nguyễn Thiện Thành nói: Thực hiện Kế hoạch 153 của Sở Giáo dục Đào tạo về việc xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025, Chi ủy trường đã chỉ đạo cho các đoàn thể, đặc biệt là đoàn thanh niên xây dựng các mô hình học tập, làm theo Bác cụ thể như mô hình  “Thư viện xanh”, mô hình phân loại rác thải... Qua triển khai, nhà trường nhận thấy mô hình “Thư viện xanh” khá thành công vì đã đẩy mạnh việc đọc sách cũng như giới thiệu sách cho học sinh và giáo viên trường. Thông qua đó góp phần giáo dục các em 5 phẩm chất: nhân ái, yêu nước, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm.

Thầy Nguyễn Quốc Phong chia sẻ thêm: sách, báo in - bao gồm cả sách, báo điện tử - luôn là nguồn bổ sung kiến thức không thể thiếu tại trường học. Cùng với nội dung trong chương trình phổ thông chính khóa, học sinh cần được bổ sung kiến thức qua việc đọc sách, báo để vốn kiến thức xã hội được sâu rộng và chắc chắn hơn. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, điển hình là phát huy mạnh mẽ phong trào đọc sách trong giáo viên và học sinh trường để các em không ngừng tự học, đọc để biết, để biến lý luận thành thực tiễn, biến những kiến thức từ sách vở ứng dụng hiệu quả vào đời sống. Từ đó, giúp các em được phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ; góp phần tích cực vào công tác xây dựng văn hóa học đường của ngành trong giai đoạn mới.

Minh Thùy

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image
Tin khác
1 2 3 4 5