Trà Vinh triển khai phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và cây lâm nghiệp
Lượt xem: 3537
Ngày 22/11, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2023.

Mô hình nuôi bò của hộ gia đình tại xã Phước Hưng, huyện Trà Cú

Theo đó, kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể về thống kê số lượng cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở cho việc định hướng phát triển nghề nuôi chim yến trong thời gian tới. Tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn gia súc, gia cầm và 70% tổng đàn chó, mèo nuôi thuộc diện tiêm. Thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi 2 đợt/năm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đạt 100% số hộ chăn nuôi được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.

Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh tổ chức các buổi tọa đàm chuyên đề phòng, chống dịch bệnh thủy sản; mở các lớp tuyên truyền các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch bệnh trên động vật thủy sản, dự kiến tổ chức 2 buổi tọa đàm và 30 cuộc tập huấn với khoảng 900 lượt người tham dự.

Ngoài ra, chủ động triển khai thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh (chủ động và bị động) trên động vật thủy sản, nhằm ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh; dự kiến thu, phân tích 110 mẫu giáp xác, 440 mẫu thủy sản. Trên cơ sở kết quả giám sát, hướng tới nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Dự phòng nguồn hóa chất Chlorine thực hiện xử lý mầm bệnh, cải tạo môi trường vùng nuôi khi dịch bệnh xảy ra, dự kiến 120 tấn hóa chất Chlorine. 

UBND đặt mục tiêu xây dựng thành công 5 cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB), gồm: 02 cơ sở ATDB Cúm gia cầm (CGC), 2 cơ sở ATDB Lở mồm long móng (LMLM), 1 cơ sở ATDB Dại và duy trì 10 cơ sở đã công nhận ATDB, gồm: 4 cơ sở ATDB CGC, 4 cơ sở ATDB LMLM, 2 cơ sở ATDB Dại. Tổ chức 50 lớp tập huấn về biện pháp quản lý sâu bệnh trên lúa và 50 lớp về biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổ chức dập dịch khoảng 100 ha sâu đầu đen hại dừa. Tổ chức phòng, trị có hiệu quả diện tích cây lâm nghiệp nhiễm bệnh (nếu có) trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện được những mục tiêu trên UBND tỉnh đề ra các nội dung và giải pháp thưc hiện như: kế hoạch phát triển đàn vật nuôi; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; phòng, chống dịch bệnh thủy sản; kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra; tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra; phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng; phòng, chống dịch bệnh cây lâm nghiệp.

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, các tổ chức đoàn thể có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trong phạm vi toàn tỉnh.

Nguyên Chương