DI TÍCH CHÙA KRAPOUMCHHOUK CHRAL (CHÙA CHÀ)
Lượt xem: 10410

DI TÍCH CHÙA KRAPOUMCHHOUK CHRAL (CHÙA CHÀ)

 Chùa Krapoumchhouk Chral còn gọi là chùa Chà tọa lạc tại ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Huyện ủy Trà Cú chủ trương vận động sư sãi trong các chùa làm cơ sở cho cách mạng, chủ trương này được các vị sư sãi và nhiều ngôi chùa trong huyện ủng hộ, trong đó có sư sãi, phật tử chùa Chà. Đặc biệt, sư cả Sơn Lêk đã tích cực tham gia công tác mặt trận đoàn kết dân tộc, trực tiếp giải thích để đồng bào Khmer hiểu rõ âm mưu của thực dân Pháp, đồng thời vận động quần chúng Khmer đoàn kết với đồng bào Kinh, cùng đấu tranh chống kẻ thù. Đặc biệt, trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945, tại chùa Chà sư cả Sơn Lêk đã trực tiếp kêu gọi nhiều vị sư đang tu tại chùa cùng với lực lượng Thanh niên Tiền phong, quần chúng nhân dân xã Ngãi Xuyên dùng các loại vũ khí thô sơ như gậy gọc, tầm vông vạt nhọn, súng giả nổi dậy biểu tình thị uy rầm rộ và hô vang khẩu hiệu rồi cùng với lực lượng các nơi khác kéo về chợ Ngã Ba, về tới dinh quận buộc phải giao chính quyền về nhân dân, sau đó kéo về chợ Thanh Xuyên. Trước sức ép mạnh mẽ của quần chúng nhân dân và sự vận động tích cực, nhiệt tình của các vị sư, tên quận trưởng Trần Ngọc Báu và bọn Tề xã đã giao lại chính quyền cho cách mạng.
Ngay khi được thành lập, chính quyền cách mạng lâm thời, sư cả Sơn Lêk đã cùng nhiều phật tử của chùa hỗ trợ giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giao một phần đất của chùa cho phật tử canh tác. Bên cạnh đó, nhà chùa còn mở trường dạy học giáo lý, pali và các lớp phổ thông. Thông qua các lớp học này, các vị sư và cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Nhà chùa còn thành lập đội văn nghệ Khmer để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của cách mạng đến với quần chúng nhân dân.
Trong giai đoạn 1946 – 1954, Chi bộ xã Ngãi Xuyên đã bàn bạc cùng sư cả Sơn Lêk để chọn chùa tiếp tục làm cơ sở hoạt động, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế. Nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ trú ẩn tại đây hoặc lui tới hoạt động như: Trần Lái (Ba Oai), Văn Công Phải, Lâm Tuyên Bố,…đồng thời nhà chùa đã đóng góp nhiều của cải vật chất cho cách mạng và vận động phật tử đóng góp tiền của, lúa gạo.

Trong giai đoan kháng chiến chống Mỹ, hưởng ứng phong trào Đồng khởi ngày 14/9/1960, sư cả chùa Sóc Chà là sư Kim Sóc đã kêu gọi hết tất cả vị sư đang tu tại chùa và cùng nhiều bà con phật tử mang theo nước uống, lương thực, bánh tét tham gia với số lượng gần 40 người. Lực lượng nồng cốt của chùa Chà có Kim Sóc, Thạch Sa Me, Kim Lương, Kim Sa Rinh, Thạch An tham cùng lực lượng biểu tình của tỉnh khoảng 60.000 người xuống đường kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đưa yêu sách đòi thả ngay Acha Lovis Saráth, Maha Phơ, chống bắt sư sãi, chống chế độ Ngô Đình Diệm, chống luật 10/59, đòi được tự do đi lại, tự do học hành, tự do hội họp và lập hội.
Trong “Chiến tranh đặc biệt” ở Trà Cú, địch dùng các phương tiện xe cơ giới liên tục mở các cuộc càn quét vùng sâu, vùng ruột của ta. Chúng lập lại ấp chiến lược mà những đợt đấu tranh trước ta đã phá rã. Trước tình hình trên chi bộ cử đồng chí Kim Sơn, Thạch Rộs, Thạch Chân đến chùa Chà gặp sư cả Kim Sa Rinh và bàn bạc đưa quần chúng vào chùa để hình thành phong trào chống bắt sư sãi và thanh niên đi lính. Bên cạnh đó cũng vận động bà con phật tử tham gia “lạc quyên”,  phật tử Kim Khành người trực tiếp ở chùa gom lúa gạo của bà con phật tử rồi mang giao cho lực lượng cách mạng.
Để chuẩn bị tốt cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuaam Mậu Thân 1968, quân và dân địa phương bao vây bức rút Sóc Chà, Giồng Ông Thìn, Ba Tục. Trong lúc các lượng lượng vũ trang bao vây bức rút, bức hàng thì lực lượng quần chúng phát huy đấu tranh chính trị kết hợp với binh vận. Các vị sư chùa Sóc Chà như Kim Sa Rinh, Thạch An đã tích cực tuyên truyền vận động các gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con em bỏ súng ra hàng, về với nhân dân.
Giai đoạn năm 1970 - 1975, chùa Sóc Chà tiếp tục mở trường dạy học giáo lý, Pali và các lớp phổ thông. Thông qua các lớp học này, các vị sư sãi và cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Đặc biệt, các vị sư và A-char của chùa còn mở lớp học dành cho các vị sư sãi từ các chùa khác trong huyện đến học tập nhằm đào tạo lực lượng sư sãi đảm nhận công tác nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng tỏa ra các chùa khác trong huyện Trà Cú và các huyện khác trong tỉnh.
Ngày 20/02/1975, địch tập trung hai tiểu đoàn với hơn 100 người gồm bảo an 404 và 522, dân vệ của nhiều xã, trang bị vũ khí, có xe bọc thép yểm trợ do tên quận trưởng trực tiếp chỉ huy bao vây chùa Chà để bắt các vị sư đi lính. Lúc này chùa Chà có khoảng 40 vị sư đang tu học. Được tin báo, ngày 21/02/1975, sư sãi, quần chúng, phật tử của hơn 30 chùa trong huyện hình thành từ 3 hướng kéo về chùa Chà để đấu tranh. Sau 8 đợt giằng co quyết liệt, các đoàn sư sãi đã vượt qua sự ngăn chặn của địch tiến vào chùa Chà. Quân địch rất tàn ác ném 4 trái lựu đạn vào đoàn sư sãi làm chết hai vị sư Dương Sốc và Kim Sum, làm bị thương một số vị sư khác như Kim Nụ, Thạch Pinh. Sư sãi và quần chúng phẫn nộ, xông vào đánh trả làm chết tên Thiếu úy Ân, Phân chi khu trưởng Ngãi Xuyên, làm bị thương 13 tên khác, trong đó có 01 tên Đại úy Vùng 4 chiến thuật.
Sang ngày 23/02/1975, sư sãi của 47 ở Trà Cú và Cầu Ngang cùng quần chúng tổ chức lực lượng 6.500 người và trên 200 vị sư tổ chức thành nhiều đoàn đưa thi hài hai vị sự Dương Sốc và Kim Sum đến chùa Kos La tổ chức mai táng và dựng bia mộ trước cửa chùa nhằm tố cáo tội ác của kẻ thù. Đoàn đi hừng hực khí thế, mang theo nhiều khẩu hiệu hô vang đòi Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức, chấm dứt việc bắt các nhà sư đi lính. Lực lượng quần chúng từ các xã lân cận như Tập Sơn, An Quãng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Phước Hưng cũng kéo về chùa Kos La để hỗ trợ phong trào đấu tranh này.
Ngày 29/4/1975, ta tiến đánh các chi khu ở Trà Cú và các đồn Xoài Thum, Xa Xi, Rạch Chệt, Cầu Hanh. Riêng tại đồn Sóc Chà, chi bộ và các vị sư do sư của chùa Sóc Chà do cả sư Kim SaRi dẫn đầu tiếp tục làm công tác binh vận, phát loa kêu gọi các gia đình vận động chồng con đang tham gia cho địch về với nhân dân. Binh lính đã giao nộp súng cho ta, chờ Ban chỉ huy chiến dịch đến tiếp quản. Sau đó, ta tiếp tục biểu tình thị uy, toàn bộ lực lượng vũ trang, quần chúng, sư sãi làm áp lực tạo nên thế áp đảo buộc tên Quận trưởng Phước giao chính quyền lúc 18 giờ 30 phút ngày 30/4/1975.
Qua hai cuộc kháng chiến, có nhiều vị sư và gia đình phật tử chùa Chà dưới sự lãnh đạo của Chi bộ đảng đã không ngại khó khăn gian khổ, bất chấp hy sinh để  nuôi chứa, bảo vệ cán bộ, góp phần cùng quân dân cả nước đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Nhiều đồng chí cán bộ cách mạng đã được nhà chùa nuôi chứa và bảo vệ sau này đã hoặc đang đảm nhận trọng trách trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước như: Trần Lái (Ba Oai), Văn Công Phải, Lâm Tuyên Bố, Tạ Thành Nghĩa (Ba Chim), Kim Giàu (Tám Xuân), Cao văn Thứ, Kim Nghét và nhiều đồng chí khác.
Riêng chùa Chà có nhiều vị sư, phật tử đã đóng góp công sức cho cách mạng như: liệt sĩ Dương Sốc, liệt sĩ Kim Sum, sư cả Sơn Lêk, sư cả Kim Vọng, sư cả Thạch Hong, sư cả Thạch Tốt, sư cả Kim Sóc, đại đức Thạch An, Hòa thượng Kim SaRi, Hòa thượng Kim Hương, Kim Nụ, Thạch Pinh, Kim Chane, Diệp Mên, Thạch Chai, Thạch Khênh, Kim Lương, Thạch Paren, Kim Hòa.
Chùa Sóc Chà đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung của trang sử Đảng bộ và nhân dân địa phương, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của huyện Trà Cú.
Ngày 13/9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định Số 1823/QĐ-UBND xếp hạng chùa Krapoumchhouk Chral (Chùa Chà) là di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                                              Văn Tưởng