DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA SATHARAMVANTAROM
Lượt xem: 6061
DI TÍCH LỊCH SỬ CHÙA SATHARAMVANTAROM

Chùa SATHARAMVANTAROM còn gọi là chùa Tà Rom tọa lạc ở ấp Tà Rom A, xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh là một trong những ngôi chùa Khmer giàu truyền thống cách mạng.

Cũng như những ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Tà Rom là một quần thể kiến trúc mang đặc trưng của chùa Khmer Nam bộ. Chùa được xây dựng vào năm 1690, đến nay đã trải qua 12 đời sư cả, hoà thượng trụ trì và ngôi chùa cũng được trùng tu sửa chữa nhiều lần.

Ngay từ những ngày hừng hực khí thế tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945, bà con phật tử chùa Tà Rom đã tham gia nổi dậỵ cướp chính quyền. Khi thực dân Pháp quay lại cướp nước ta lần nữa, tháng 12/1946 Chi bộ xã Đôn Châu ra đời, nắm được ý đồ của địch là xuyên tạc những sự kiện lịch sử để gieo rắc tâm lý kỳ thị phân biệt trong cộng đồng các dân tộc đặc biệt là giữa người Khmer với người Kinh, Chi bộ tổ chức đến các chùa gầy dựng cơ sở. Đối với chùa Tà Rom, đồng chí Trần Văn Khôi, bí thư chi bộ bàn bạc với sư cả Thạch Ngane chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế... Tham gia cơ sở có sư cả Thạch Ngane và một số sư sãi, thầy giáo như: Thạch Chịa, thầy Khai, thầy Cảnh, thầy Kim, thầy Cơn... Nhà chùa còn mở trường dạy học giáo lý, bali và các lớp phổ thông. Thông qua các lớp học này, các vị sư sãi và thầy giáo đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Từ những lớp học này nhiều người sau đó trở thành những cán bộ chiến sĩ cách mạng. Các đồng chí: Maha Sơn Thông, Thạch Long, Lâm Nhung và nhiều đồng chí khác như: Thạch Chuốp, Lý Yên,  Tư Thình, Lục Tà Ét, Hai Lâu, Hai Tịch, Thạch Cân đã được nhà chùa đã nuôi chứa, bảo vệ an toàn.

Huyện Trà Cú có 2/3 dân số là đồng bào dân tộc Khmer, cho nên chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện âm mưu lợi dụng tôn giáo, dân tộc để chia rẽ, chống phá cách mạng. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sư cả Kiên Uôi cùng một số sư sãi và acha tổ chức dạy học cho sư sãi, phật tử và thanh  niên trong vùng cùng các sư sãi các chùa trong huyện nhằm đào tạo lực lượng sư sãi đảm nhận công tác nuôi chứa và bảo vệ cán bộ cách mạng.

Năm 1960, Chi bộ xã Đôn Châu phát động phong trào Đồng khởi, các vị sư sãi và phật tử chùa Tà Rom tích cực hưởng ứng, cụ thể đã tham gia làm hàng trăm chiếc mõ và 03 cái trống. Cũng thời gian này, các vị sư chùa Tà Rom đã xây dựng nghĩa trang trong phạm vi đất chùa nhằm phục vụ công tác chôn cất xác chiến sĩ hy sinh trong các trận đánh đồn. Cuối năm 1960, lực lượng vũ trang của ta tổ chức đánh đồn Đôn Châu. Về phía ta có 4 chiến sĩ hy sinh, các vị sư chùa Tà Rom đã tổ chức đi lấy xác chiến sĩ về mai táng tại nghĩa trang chùa. Sau đó, trong các trận đánh đồn khi có chiến sĩ ta hy sinh các vị sư chùa Tà Rom luôn tìm cách đi lấy xác về  chôn cất tại đây.

Tháng 3 năm 1966, địch cho máy bay oanh tạc khu vực ấp Tà Rom bắn chết bà Thạch Thị Hai cùng đứa con mới ba tháng tuổi. Các vị sư và phật tử chùa Tà Rom tổ chức khiêng xác hai mẹ con bà Thạch Thị Hai đi đấu tranh với bọn tề xã, đòi chúng bồi thường thiệt hại. Bọn tề xã đổ lỗi cho bọn ngụy quân đóng tại đồn La Bang. Các vị sư và phật tử tiếp tục kéo đến  đồn La Bang đấu tranh trực diện với địch, địch đưa quân ra đàn áp cuộc biểu tình làm bị thương 6 người.

Tháng 6/1966, địch lại cho máy bay oanh tạc, bắn phá chùa làm hư hỏng hoàn toàn một tăng xá và hư hỏng một phần mái chính điện cùng hô trai. Các vị sư và phật tử chùa Tà Rom liền tổ chức cuộc biểu tình kéo lên tỉnh lỵ Trà Vinh đưa yêu sách với tên Tỉnh trưởng đòi bồi thường thiệt hại. Trước những lý lẽ sắc bén và bằng chứng xác thực buộc tên Tỉnh trưởng phải chấp nhận yêu sách và hứa sẽ bồi thường.

Giai đoạn từ 1962 đến 1968, Mỹ- ngụy tăng cường các hoạt động hành quân càn quét, gom dân lập ấp chiến lược nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa Đảng, cách mạng với quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, sư cả Kiên Uôi cùng với ban quản trị chùa tiếp tục nuôi chứa và bảo vệ an toàn cho cán bộ cách mạng. Các đồng chí: Thạch Chịa (Hai Quyết), Kim Sim (Chín Soái) - cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh, Thạch Tua (Ba Tưa)- Phó bí thư huyện Cầu Ngang, Thạch Chân (Ba Chân)- Trưởng ban Thanh vận huyện Cầu Ngang, Tám Vĩnh- Bí thư xã Đôn Châu, Ba Đấu- Phó Bí thư chi bộ xã cùng nhiều đồng chí cán bộ của xã như: Thạch Dân (Năm Trọng), Thạch Phụm (Tư Thi), Út Phát, Hai Chiến, Thạch Đen, Kiên Cai, Năm Sanh, Năm Mực, Bảy Bộ, Tư Tiên, Tư Tự…

Từ năm 1969, Mỹ- ngụy ráo riết tiến hành bình định chiếm đất, giành dân, đóng đồn bót trở lại gây nhiều khó khăn cho các hoạt động của ta. Đoàn cán bộ của xã, huyện và tỉnh gồm các đồng chí: Thạch Dân (Năm Trọng), Hai Công, Thạch Phụm (Tư Thi), Năm Nhứt, Thạch Nhoẹn Nhựm (Hai Long), Thạch Tua (Ba Tưa), Điền Goọng (Tư Kol) trực tiếp xuống bám địa bàn để phát động quần chúng và sư sãi đấu tranh chính trị, binh vận và vũ trang. Đoàn cán bộ được sư sãi và ban quản trị chùa Tà Rom nuôi chứa, bảo vệ an toàn ở trên gác chính điện.

Tháng 2/1972, địch đưa quân đi càn quét vào các ấp của xã Đôn Châu, chúng bắn chết hai chiến sĩ cách mạng rồi đem phơi xác tại chợ La Bang. Nhận  được tin các vị sư chùa Tà Rom gồm: Thạch Dênl, Thạch Rịnh, Thạch Chan, Kim Song, Huỳnh Vĩnh tổ chức đi đấu tranh trực diện với địch để lấy xác 02 chiến sĩ đem về nghĩa trang chùa mai táng. Địch bắt các vị sư đem về quận Trà Cú giam giữ. Sư cả Kiên Uôi liền tổ chức vận động sư sãi và phật tử chùa Tà Rom xuống đường biểu tình kéo lên quận Trà Cú đấu tranh với tên Quận trưởng đòi thả các vị sư. Để xoa dịu tình hình, địch buộc phải thả các vị sư đồng thời trả xác chiến sĩ cho các vị sư đem về chùa mai táng.

Tháng 2/1974, địch bao vây chùa có sự yểm trợ của trực thăng, xe bọc thép kết hợp với Sư đoàn 7 ngụy quân dưới sự chỉ huy của tên quận trưởng Trần Tấn Phước. Địch vào chùa bố ráp bắt các vị sư Thạch Giỏi, Thạch Tục, Kiên Tục, Thạch Liên, Trầm Bé đưa về giam giữ tại quận Trà Cú. Trước tình hình đó, sư cả chùa Tà Rom Kiên Uôi cùng với sư cả chùa Bào Môn Kim Nhiêu Kem tổ chức vận động sư sãi và bà con phật tử trong vùng biểu tình kéo lên quận Trà Cú đấu tranh đòi thả các vị  sư. Bọn địch ở Trà Cú hoảng sợ, bí mật giải 05 vị sư lên tỉnh giam giữ, tra tấn. Chúng tiến hành lột áo cà sa của các vị sư, sau đó đưa vào “Trại nhập ngũ tỉnh Vĩnh Bình”. Khi được tin, sư cả Kiên Uôi tiếp tục vận động  sư sãi, phật tử kéo lên dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Bình đấu tranh đòi thả 5 vị sư. Trước sức ép của đoàn biểu tình, bọn chúng lại bí mật đưa 5 vị sư  vào “Quân trường Chi Lăng” - An Giang. Các vị sư sau đó đã tổ chức trốn thoát, trở về chùa tiếp tục hoạt động.
Giai đoạn này, nhà chùa đã tổ chức nuôi chứa và bảo vệ an toàn các cán bộ như: đồng chí Trần Lái (Ba Oai) - Tỉnh ủy viên, Thạch Tua (Ba Tưa)- Tỉnh ủy viên, Thạch Chịa (Hai Quyết) - cán bộ Dân vận tỉnh, Sơn Kiêu (Bảy Chan) - cán bộ Khmer vận tỉnh, Thạch Sang (Tư Phong) - cán bộ Ban nông dân tỉnh, Điền Goọng (Tư Kol) - Ủy viên Ban Tuyên huấn tỉnh, Kim Sim (Chín Soái) - cán bộ Ban Tuyên huấn tỉnh, Nguyễn Thành Công (Út Danh)- Đại đội trưởng Đặc công, Thạch Nhoẹn Nhựm (Hai Long), Kim Giàu (Tám Xuân), Nguyễn Văn Năm (Bảy Nghĩa) - Huyện ủy viên, Huỳnh Kiến Thuận - Huyện đội trưởng Trà Cú, Thạch Tòng- Thường vụ Huyện đoàn Trà Cú, Thạch Dân (Năm Trọng)… Ngoài ra, các vị sư và phật tử còn tham gia giao liên, binh vận, rải truyền đơn, treo cờ cách mạng và đóng góp nhiều lúa gạo, tiền bạc, của cải phục vụ kháng chiến.
Thời điểm sắp kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân dân ta giành nhiều thắng lợi trên chiến trường. Để phát động phong trào đấu tranh cùng cả nước, các vị sư chùa Tà Rom cùng với cán bộ cách mạng tổ chức vận động dân vệ ấp Tà Rom B giao nộp vũ khí gồm 13 khẩu súng. Một số dân vệ ấp Tà Rom A, ấp Sa Văng, ấp Cóc Lách đã bỏ hàng ngũ mang đạn dược giao cho cách mạng.

 Nhiều vị sư chùa Tà Rom sau khi hoàn tục tham gia cách mạng và đã anh dũng hy sinh như các liệt sĩ: Thạch Cần, Thạch Danl, Thạch Văn, Thạch Khiêu, Thạch Sunl, Thạch In, Thạch Cui, Thạch Nết, Thạch Nhứt, Thạch Đen, Thạch Pô, Thạch Khol, Huỳnh Sol, Thạch Út, Kiên Sunl, Thạch Rệch, Thạch Phát,  Thạch Kim Siêng, Thạch Song, Ngô Thương,...

Ngày 11/12/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ra Quyết định số 2257/QĐUBND công nhận chùa Tà Rom là di tích lịch sử cấp tỉnh.

                                                                                 Tường Đoan