Lễ hội cúng biển Mỹ Long
Lượt xem: 4695
LỄ HỘI CÚNG BIỂN MỸ LONG
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Ngày 31/11/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 3820/QĐ-BVHTTL đưa Lễ hội cúng biển Mỹ Long vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 2 của tỉnh Trà Vinh sau di sản Nghệ thuật Chầm riêng chà pây.

Lễ tế cửa biển Nam Hải

Lễ hội cúng biển Mỹ Long còn gọi là Lễ hội Nghinh Ông hay lễ Tế cửa Nam Hải là lễ hội truyền thống của cư dân Mỹ Long diễn ra từ ngày 11 – 13 tháng 5 âm lịch hàng năm.

Mỹ Long nằm cách thành phố Trà Vinh khoảng 30 km bao gồm thị trấn Mỹ Long, xã Mỹ Long Bắc, xã Mỹ Long Nam thuộc huyện Cầu Ngang tỉnh Trà Vinh. Mỹ Long còn có tên gọi khác là Bến Đáy do nơi đây tập trung nhiều người hành nghề đóng đáy hàng khơi (đáy Sông Cầu). Thời Pháp thuộc Mỹ Long có tên ghép là Mỹ Thập Phú do hợp nhất từ hai làng Mỹ Thập và Phú Thứ. Sau đó có sự sáp nhập lần thứ hai giữa hai làng Mỹ Thập Phú và Long Hậu thành Mỹ Long.
Vùng biển Mỹ Long có chiều dài khoảng 15 km đây là vùng cửa ngõ của tỉnh Trà Vinh còn có tên là Cung Hầu một trong 9 cửa sông Cửu Long là nơi tập trung lực lượng đánh bắt, mua bán thủy hải sản khá tấp nập.
Những năm 20 thế kỷ XX trở về trước cư dân vùng Mỹ Long có tục thờ Bà Cố Hỉ ở ba thôn Tường Lộc, Phú Thứ, Thạnh Hòa. Riêng thôn Thạnh Hòa còn có thêm tục thờ cá ông, thôn Phú Thứ thì có thêm tục tế lão. Ba thôn Tường Lộc, Phú Thứ, Thạnh Hòa thuộc tổng Vĩnh Trị, huyện Trà Vinh.  Do vị trí địa lý thuận lợi vùng cửa biển Cung Hầu - vùng biển Mỹ Long là một trong những địa điểm hội tụ sớm các cư dân người Việt. Lưu dân người Việt đến đây không chỉ mang theo phương tiện, kỹ thuật đánh bắt thủy hải sản mà còn mang theo cả những phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc trong đó có văn hóa tâm linh. Lễ hội cúng biển Mỹ Long do các di dân miền Trung đưa vào theo bước đường lưu xứ đồng thời với việc hình thành cộng đồng cư dân ở đây cách nay khoảng 300 năm, theo thời gian sự giao thoa, dung hợp văn hóa tín ngưỡng đã phát triển thành lễ hội. Tuy nhiên, lễ hội thực sự được tổ chức với quy mô lớn từ những năm 1930 trở lại đây.
Trung tâm chính diễn ra lễ hội là miếu bà Chúa Xứ tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Mỹ Long. Trong lễ hội có nhiều nghi thức được tổ chức như:
Giỗ Tiền chức: Giỗ Tiền chức là nghi thức đầu tiên được tiến hành vào lúc 7 giờ ngày 11 tại gian thờ Tiền hiền. Hầu tế là các vị hương chức đương nhiệm, có nhạc lễ, học trò lễ đăng điện và đọc văn tế.  Mục đích của nghi lễ là tạ ơn công lao và cầu mong các bậc tiền nhân ban thêm ân huệ như trong văn tế thể hiện: “Cây có cội, nước có nguồn. Về sau được an cư lạc nghiệp là nhờ công mở nền, dựng cõi của người trước. Kính nghĩ rằng: Công lao của tiền nhân còn lưu mãi, đời sau cần phải noi theo. Trăm đời công đức tổ tiên, ngàn năm cúng tế, thời tiết luôn tốt đẹp. Nay đến kỳ tháng năm, mùa hạ, sắp bày chút lễ mọn, kính xin tiền nhân ban thêm ân huệ, giúp đỡ làng xã”…
Nghinh Nam Hải:
Nghinh Nam Hải tức là đón “Quốc Gia Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần” (Cá Ông) còn gọi là Nghinh Ông. Nghi lễ được tiến hành lúc 9 giờ.
Đoàn Nghinh Ông gồm: hai vị bồi bái, hai pháp sư, một vị hương quan, ba vị chức việc hóa trang Quan Công, Châu Xương, Quan Bình, đội lân, đội nhạc, một số ngư dân và du khách. Từ miếu bà Chúa Xứ đoàn khởi hành đi bộ ra vàm Lầu cách miếu khoảng 800m rồi xuống thuyền ra cửa Cung Hầu cách thị trấn Mỹ Long khoảng 5 km. Trên đường đi vị hương quan đọc bài “tán” cúng biển:
…Trai Mỹ Long nối bước cha ông
Đạp sóng dữ vẫy vùng trong bốn bể
Hởi các trai làng
Hãy mau mau đưa tàu nghinh Quốc Gia Nam Hải
Kính nguyện cầu cho mưa thuận giá hòa
Bá tánh Mỹ Long được an cư lạc nghiệp.
Đến nơi vị pháp sư làm lễ khấn nguyện rồi xin keo bằng hai đồng tiền khi đủ âm đủ dương xem như Ông đã chấp thuận, thuyền quay về kết thúc nghi thức Nghinh Nam Hải.
Tế Thần Nông, chiến sĩ trận vong: Tế Thần Nông, chiến sĩ trận vong được tổ chức vào lúc 5 giờ chiều ngày 11 tại sân miếu. Tại đây có bàn thờ Thần Nông cùng linh vị, đồng thời hội miếu cũng làm thên một đài tử sĩ cùng bàn thờ để cúng tế. Tuy là phối tự nhưng lễ tế Thần Nông được tổ chức quy mô, trang trọng, có cả học trò lễ, đội lân, đội nhạc, có đọc văn tế và người tham gia vây kín cả sân miếu. Mục đích nghi lễ là tế Thần Nông vị thần nông nghiệp và các chiến sĩ trận vong vì dân, vì nước cùng về chứng giám, phối hưởng mà tiếp tục phù hộ cư dân.

Miếu Bà Chúa Xứ

Chánh tế Chúa Xứ: Chánh tế Chúa Xứ được tổ chức trong chính điện trước bàn thờ Bà Chúa Xứ. Nghi chánh tế trước kia được thực hiện vào lúc 0 giờ đêm 11 sáng ngày 12 tháng 5 âm lịch. Nhưng gần đây, đáp ứng theo yêu cầu của người dự hội Ban khánh tiết tổ chức sớm hơn vào lúc 22 giờ. Vật cúng lễ chánh tế cũng là xôi, heo trắng. Học trò lễ mặt áo choàng màu xanh, đội mão màu đen, thắt lưng đỏ gồm ba cặp: cặp đăng, cặp đài và cặp thài.

Trước khi vào lễ ban quý tế thắp hương và hầu lễ. Trống nhạc lại nổi lên các lễ sinh, ban quý tế lần lược tiến hành hiến tuần hương, tuần hoa, tuần quả, tuần rượu, dâng sớ và tuần trà theo lời xướng của cặp thài. Trong tiếng trống, tiếng nhạc rập ràng lễ sinh chân vẽ chữ tâm hoặc đi bụa thực hiện nghi thức đi từ bàn ngoại nghi đến bàn nội nghi. Trước khi hiến lễ phải xây tứ tượng hoán vị ở bốn hướng, dứt nhịp với bài thài ở bước cuối cùng rồi trao lễ phẩm cho chánh bái và bồi bái dâng lên bàn thờ.

Hát bóng rỗi: Sau nghi chánh tế là hát bóng rỗi đây là hình thức diễn xướng tổng hợp có chức năng thực hành nghi lễ bắt nguồn từ những điệu múa hát bóng của người Chăm ở Trung Bộ. Từ miền Trung các điệu múa này hòa với tục thờ bà Chúa Xứ theo chân của lưu dân vào Nam Bộ. Hát múa bóng rỗi là một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo, nó có chức năng kép, vừa lễ thức vừa giải trí.
Những nghệ nhân hát múa bóng ở lễ hội cúng biển Mỹ Long là những người tự nguyện từ những nơi khác đến như Bến Tre, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh… cho nên Ban tổ chức chỉ sắp xếp chương trình để các nhóm biểu diễn chứ không bắt buộc bài bản. Song một chương trình hát bóng rỗi thường có các nghi thức sau: Khai tràng có mục đích khai mạc cho cuộc lễ do dàn nhạc diễn tấu. Chầu mời - thỉnh tổ do các bà bóng, cô bóng thay phiên nhau hát từng ba chặp các bài chầu mời. Múa dâng bông cũng Vũ công (bà bóng) sử dụng tô bông trong đó xây bông vạn thọ hoặc bông cúc, bông trang, vừa múa theo điệu nhạc vừa tiến dần đến bàn thờ bà để dâng bông cho chủ lễ đón nhận đặt lên bàn thờ. Múa dâng mâm cũng có chức năng nghi lễ như múa dâng bông, song lễ vật ở đây là thứ đồ mả có hình dạng ngôi tháp (tháp vàng, tháp bạc) đựng trong mâm. Mục đích của Dâng mâm là dâng cho bà một ngôi tháp (đền thờ) để bà ngự.
Sau nghi lễ dâng bông, dâng mâm còn có các điệu múa giúp vui gọi chung là múa đồ chơi: múa dù, múa trống, múa hoa, múa nón, múa khạp… Người dự khán chật kín cả sân miếu và nhà võ ca.
Nghinh ngũ phương: Nghinh ngũ phương được tổ chức vào 7 giờ sáng ngày 12 tháng 5 âm lịch. Nghinh ngũ phương theo các vị bô lão ở đây giải thích là chào đón Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần, Ngũ Hành Nương Nương, binh gia các đẳng ở năm hướng để đưa ra biển. Từ Miếu Bà Chúa Xứ đoàn nghinh đi vòng quanh chợ Mỹ Long rồi trở về miếu. Trên đường đoàn đi qua nhà nhà đều có đặt một mẻ gạo muối, giấy vàng bạc để đốt và rải hay cho vào bàn nghinh nhằm tống tiễn những sui rủi của năm qua, đón nhận mai mắn sẽ đến.

Tống tàu: Sau khi đoàn nghinh trở về đến miếu khoảng 8 - 9 giờ thì tiến hành làm lễ Tống tàu.
Tàu đưa đi tống được làm cẩn thận trước đây bằng thân cây chuối và nan tre, hiện nay thì làm bằng ván gỗ theo kiểu tàu đánh cá trong tàu có các lễ phẩm cúng thí như chuối, gạo, muối, bánh, tiền vàng mã...
Vào lễ vị pháp sư đóng vai trò điều hành cùng các vị hương chức tiến hành nghi thức. Trong khoảng thời gian chuẩn bị làm lễ nhiều bà con  đến gởi các vật cúng như muối, gạo, trái cây vào tàu, đồng thời kính cẩn đặt hai tay vuốt lên thân tàu rồi đặt vào mặt cầu mong những điều tốt lành.
Nghi lễ thực hiện xong thì tiến hành di chuyển tàu rời miếu. Đoàn đi cũng có lân, nhạc, trống, chiêng, vị pháp sư, các vị hương chức, các hầu bóng, ba vị chức việc hóa trang Quan Công, Châu Xương, Quan Bình cùng đông đảo dân chúng tạo thành đoàn khoảng 2.000 – 3.000 người. Từ miếu đoàn đi vòng qua chợ Mỹ Long rồi đến vàm Lầu trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã. Đến vàm Lầu tàu chở vật cúng được hạ thủy và được một thuyền đánh cá khởi hành kéo ra cửa biển Cung Hầu cách vàm Lầu khoảng 5 km. Đến vị trí tống tàu các thuyền dừng lại, vị chủ tế khăn áo chỉnh tề rồi châm ba tuần rượu, một tuần trà lạy và khấn Đại Càn Quốc Gia Nam Hải rồi ra hiệu lệnh tháo dây tống tàu. Cùng lúc này vị chức việc hóa trang Quan Công đứng trước mũi tàu quơ thanh long đao xướng lệnh:
“Các vị chư binh, Chánh soái Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, hãy lên tàu về Trường Sa bãi biển”. Còn các vị hương quan phụ tế thì cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bá tánh an cư lạc nghiệp. Sau đó đoàn thuyền quay về, lễ hội kết thúc và chờ đón lễ hội năm sau.
Lễ hội cúng biển Mỹ Long là lễ hội dân gian đặc sắc của ngư dân tỉnh Trà Vinh. Lễ hội đã thu hút hàng chục ngàn lượt người không chỉ ngư dân trong tỉnh mà còn nhiều ngư dân các tỉnh lân cận và khách thập phương tham gia trở thành phong tục tốt đẹp của địa phương, của lễ hội. Lễ hội có những đặc điểm riêng gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân vùng đất Mỹ Long – Cầu Ngang là điểm tựa tinh thần, nơi vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm và trao truyền đạo lý.

Văn Tưởng