Di tích chùa Trà Khúp
Lượt xem: 5106
DI TÍCH CHÙA PRO KHUP

Cũng như những ngôi chùa Khmer khác trong tỉnh, chùa Pro Khup (Trà Khúp) là một quần thể kiến trúc mang đặc trưng của chùa Khmer Nam bộ. Chùa được xây dựng năm 1887, đến nay đã trải qua 9 đời sư cả, hoà thượng trụ trì.

Chùa Trà Khúp

Trong hai cuộc kháng chiến chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, trung tâm giáo dục  mà còn là nơi nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng. Nhiều vị sư sãi sau khi hoàn tục đã tham gia cách mạng trở thành những cán bộ chiến sĩ kiên trung, một số đồng chí đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước.

Ngay trong giai đoạn chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, nhân dân huyện Cầu Ngang (lúc này huyện Duyên Hải chưa có) đã tham gia các cuộc đấu tranh đòi giảm tô, chống áp bức bóc lột của bọn địa chủ, thực dân và tay sai. Xã Ngũ Lạc, là một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh, Huyện ủy chủ trương vận động sư sãi trong các chùa làm cơ sở cho cách mạng, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp bám dân phát động phong trào nổi dậy đánh địch.
Địch ráo riết thiết lập hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền thực dân và tay sai, ra sức tìm mọi biện pháp để thực hiện chính sách “chia để trị”. Chúng triệt để khai thác những nét khác biệt về phong tục tập quán, xuyên tạc sự thật lịch sử nhằm phá hoại khối đoàn kết dân tộc Kinh - Khmer - Hoa và chia rẽ các tín đồ tôn giáo.
Năm 1947, đồng chí Nguyễn Văn Chỉ (Hai Chỉ) là đảng viên được Huyện ủy Cầu Ngang điều động về ấp Trà Khúp để bàn bạc với sư cả Thạch Khmau chọn chùa làm cơ sở hoạt động bí mật. Năm 1950, đồng chí Mười Thanh trực tiếp đến chùa gặp gỡ và làm việc với sư cả. Từ đó sư cả trở thành cơ sở đơn tuyến của Tỉnh ủy. Đồng chí Mười Thanh thường tới lui chùa trực tiếp làm việc với sư cả để truyền đạt chỉ thị, nghị quyết của Đảng và tổ chức gầy dựng cơ sở, phát động phong trào đấu tranh của các vị sư sãi và bà con phật tử trong vùng. Sư cả Thạch Khmau là hòa thượng có uy tín đối với sư sãi và bà con phật tử. Vì vậy, công tác nuôi chứa cán bộ cách mạng của sư cả luôn được các vị sư và Ban quản trị chùa đồng tình ủng hộ. Việc nuôi chứa cán bộ cách mạng của chùa luôn đảm bảo an toàn và bí mật. Tại phòng riêng của sư cả có một cái tủ lớn, khi địch vào chùa bố ráp, lùng sục tìm cán bộ cách mạng thì sư cả đưa cán bộ vào tủ ẩn náu. Nhiều đồng chí như: Nguyễn Ngọc Thanh- Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Năm Tùng, Tư Thao, Tư Giền- Công an tỉnh Trà Vinh, Thạch Ék, Thạch Rùm Yên- cán bộ huyện Cầu Ngang, Nguyễn Văn Còn (Chín Còn)- Phó Bí thư Chi bộ, Lê Thọ Tường (Mười Tường)- Xã đội trưởng xã Ngũ Lạc,  Hai Trọng, Tư Thình, Hai Chỉ cán bộ xã Ngũ Lạc đã được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ an toàn.
Sang giai đoạn chống Mỹ, nhà chùa tiếp tục làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Trong sáu năm đấu tranh chính trị (1954-1960), sư cả Thạch Khmau cùng một số sư sãi và acha tổ chức dạy học cho sư sãi, phật tử và thanh thiếu niên. Thông qua các lớp học này, đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù và giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng đồng thời phát động lòng căm thù, kêu gọi nhân dân nổi dậy đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm.
Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Chi bộ xã Ngũ Lạc tập trung xây dựng cơ sở trong sư sãi ở các chùa, chùa Pro Khúp là một trong các cơ sở đó. Năm 1960, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy,Chi bộ xã Ngũ Lạc phát động phong trào Đồng khởi. Xã Ngũ Lạc và xã Mỹ Long (Cầu Ngang ) được Tỉnh ủy Trà Vinh chọn làm điểm chỉ đạo. Đúng theo kế hoạch, đêm 14/9/1960 đồng bào, sư sãi các ấp trong xã Ngũ Lạc đồng loạt nổi dậy đánh trống mõ, hưởng ứng phong trào Đồng khởi. Các vị sư và phật tử chùa Pro Khúp đã tham gia làm hàng trăm chiếc mõ và trống. Nhà chùa chỉ huy bằng tiếng trống cho đồng bào phật tử đốt đuốc, gõ mõ theo hiệu lệnh, hô vang các khẩu hiệu chống chính quyền Ngô Đình Diệm, tham gia cùng với đoàn biểu tình kéo đến bao vây tề xã buộc chúng phải từ bỏ hàng ngũ địch để quay về với cách mạng. Phong trào làm cho tinh thần bọn địch rất hoang mang, hoảng sợ. Không chịu nổi trước sức ép của lực lượng du kích, quần chúng cùng sư sãi, chiều ngày 17/9/1960, Trung đội dân vệ và bộ máy tề xã Ngũ Lạc bỏ đồn tháo chạy. Đồng bào, sư sãi đã san bằng đồn tề xã - Xã Ngũ Lạc được giải phóng.
Những năm 1961 đến năm 1972, bà con phật tử, sư sãi chùa Pro Khúp đã tham gia nhiều cuộc biểu tình, đồng thời nuôi chứa, bảo vệ an toàn cho nhiều bộ cách mạng như: Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm)- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, Thạch Tua (Ba Tưa)- Phó Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, Dương Chí Hòa (Bảy Biến)- Bí thư Chi bộ xã, Nguyễn Minh Vĩnh (Năm Vĩnh), Thạch Khanh (Hai Khanh), Thạch Long- cán bộ xã Ngũ Lạc ... Đặc biệt, hầm bí mật được đào ngay tại phòng ngủ của sư cả.
Năm 1973, Chi bộ sư sãi chùa Pro Khúp đã có 23 đảng viên do sư cả Thạch Dương làm bí thư. Các vị sư đã tổ chức đào hầm bí mật tại sa la Mênl nơi ở của sư cả Thạch Dương để nuôi chứa cán bộ. Cũng trong năm này sư cả Thạch Dương, Thạch Thonl đã tổ chức cuộc vận động trong giới sư sãi tình nguyện sất (hoàn tục) ra tham gia cách mạng. Hưởng ứng cuộc vận động này có 15 sư sãi sất ra tham gia trong nhiều ngành của huyện, tỉnh và vào các đơn vị D509, D501, D512.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, các vị sư chùa Pro Khúp đã tham gia cùng với lực lượng du kích tổ chức tuyên truyền giáo dục, vận động kêu gọi lực lượng ngụy quân ngụy quyền hạ vũ khí đầu hàng làm cho tinh thần bọn địch rất hoang mang, hoảng sợ. Để rồi bọn địch ở tề xã Ngũ Lạc buộc phải buông súng đầu hàng chính quyền cách mạng. Sau đó các vị sư cùng với cán bộ tiến hành giải giáp vũ khí và sắp xếp binh lính ngụy dẫn về chùa Pro Khúp để cho cán bộ huyện, xã, ấp giáo dục trước khi cho họ trở về sống với gia đình.

Lễ đón nhận Bằng di tích

Với tinh thần “tất cả cho kháng chiến, tất cả để chiến thắng”, nhà chùa đã vận động quần chúng nhân dân cùng nhà chùa đóng góp nhiều cây gỗ, lúa gạo, tiền bạc phục vụ kháng chiến.

Với những thành tích trên, chùa Trà Khúp đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, đóng góp vào thành tích chung của Đảng bộ và nhân dân xã Ngũ Lạc, Duyên Hải anh hùng, góp phần làm nên lịch sử tỉnh Trà Vinh vẻ vang anh dũng.
Ngày 14 tháng 10 năm 2010, Ủy ban nhân dân  tỉnh Trà Vinh đã ra Quyết định số 1862/QĐ-UBND công nhận chùa Pro Khup là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hoài Nam