Trà Vinh đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
Lượt xem: 3672
“Hỗ trợ Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” là một trong những nội dung trọng tâm của nhiệm kỳ 2022 – 2027 được Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc khóa XIII đề ra. Theo đó, quan điểm của Hội là tăng cường hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trước yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Bám sát sự hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh đã triển khai, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực; giúp phụ nữ mạnh dạng khởi nghiệp, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê mình.

Đại biểu tham quan khu  trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ

 Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh, một trong những tiêu chí mà các cấp Hội phụ nữ chú trọng thực hiện trong nhiệm kỳ mới này là: khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ toàn tỉnh, khởi nghiệp gắn với việc kết nối - đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh; tạo điều kiện giúp hội viên, phụ nữ nâng cao năng lực quản lý, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tiến bộ khoa học kỹ thuật để có những bước tiến khởi nghiệp vững chắc tại địa phương.

Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp Ban quản lý Dự án SME Trà Vinh và ngành chức năng tổ chức nhiều khóa đào tạo khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp cho hội viên, phụ nữ; hội thảo tư vấn pháp lý về đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ sản phẩm, tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tại những buổi hội thảo, lãnh đạo sở, ngành tỉnh Trà Vinh cùng chuyên gia khởi nghiệp đã chia sẻ nhiều thông tin thiết thực đến doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp về điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm, quy trình đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn, máy móc, thiết bị, nơi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; xây dựng nhãn hiệu và đăng ký sản phẩm OCOP,… Qua đây, giúp chị em đang khởi nghiệp và doanh nghiệp nữ tỉnh nhà tiếp cận các nguồn vốn vay, nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án, cách thức đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; góp phần hỗ trợ chị em phát triển sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.

Chị Lâm Ngọc Tú, Phó Giám đốc công ty TNHH chế biến dừa sáp Vicosap Cầu Kè cho biết: Hội thảo tư vấn pháp lý giúp doanh nghiệp chúng tôi biết được nhiều thông tin hữu ích hơn về các quy trình, hướng dẫn nâng sao sản phẩm OCOP, các sản hiện tại của công ty được ưa chuộng hiện tại là dừa sáp sợi, sữa chua dừa và dừa sáp sấy lạnh, chúng tôi luôn ưu tiên việc lựa chọn nguyên liệu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phảm để nâng sao OCOP, đưa sản phẩm dừa sáp Trà Vinh tiến xa hơn trên thị trường”

Chị Nguyễn Thị Minh Trang, Chủ cơ sở bánh ngũ cốc Ngọc Phát, huyện Cầu Kè bày tỏ suy nghĩ: Tôi thắc mắc là tại sao sản phẩm của cơ sở đều đạt chuẩn về nguồn nguyên liệu nhưng chưa được công nhận sản phẩm OCOP, đến tham dự hội thảo thì được ngành chức năng trả lời thỏa đáng về điều kiện đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quy trình được cộng nhận sản phẩm OCOP; đồng thời, được tiếp nhận thông tin về thị trường, vốn vay, điều kiện được hỗ trợ thiết bị ,….

Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mong rằng những cuộc hội thảo tư vấn pháp lý về đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ sản phẩm, tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ giúp hội viên, phụ nữ đang khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp cùng doanh nghiệp nữ trong tỉnh hiểu rõ việc xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường sẽ tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong kinh doanh, góp phần giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá, giúp chị em phát triển sản xuất, tăng lợi nhuận và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, từ đầu năm 2017 đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh và các cấp Hội cơ sở tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn, hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh; hỗ trợ thành lập Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ,…. Kết quả, Hội đã hỗ trợ cho hơn 700 phụ nữ sản xuất kinh doanh; tuyên truyền, vận động 320 phụ nữ đăng ký cơ sở lên doanh nghiệp, nâng tổng số toàn tỉnh có hơn 800 /3.000 doanh nghiệp do nữ làm chủ.

Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp bền vững trong hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh, mới đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ và Ban Quản lý Dự án SME tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử tại Nhà khách Tỉnh ủy. Tham gia tọa đàm, nhiều đại biểu đại diện các chủ thể sản phẩm đạt OCOP trong tỉnh và cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ quản lý đã chia sẻ những khó khăn đang gặp phải trong quá trình kinh doanh. Đồng thời; kiến nghị ngành chuyên môn tỉnh có hình thức hỗ trợ cụ thể về quy trình xây dựng, thiết kế, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm;….

Trao đổi trực tiếp với các đại biểu tham gia tọa đàm; ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo sở, ngành tỉnh; các chuyên gia khởi nghiệp, Liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin thiết thực đến doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi sự kinh doanh về điều kiện, quy trình đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, tiếp cận nguồn vốn vay, máy móc, thiết bị, nơi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa; hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP,….

Toàn tỉnh hiện có 80 sản phẩm đạt OCOP (trong đó: 05 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 09 sản phẩm đạt 4 sao; 66 sản phẩm 3 sao) thuộc 49 chủ thể, gồm: 8 Hợp tác xã, 9 công ty, 2 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, từ đầu năm đến nay, Hội đăng ký mới 9 sản phẩm OCOP và đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu 23 sản phẩm do phụ nữ kinh doanh.

Ngau sau buổi tọa đàm, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Trà Vinh ký kết kế hoạch phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến dừa sáp Vicosap Cầu Kè - triển khai mô hình “Tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử Vicosap”. Cụ thể là hỗ trợ kết nối các sản phẩm của doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp tham gia Sàn giao dịch thương mại điện tử Vicosap.vn; tư vấn thủ tục, cách thức phân phối hàng hóa trên sàn; thiết kế nhận diện chung gian hàng của các đơn vị tham gia; xây dựng hình ảnh, video, số hóa các sản phẩm trưng bày sản phẩm;…. Qua đây, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất do nữ quản lý trong tỉnh có thêm kênh thông tin, quảng bá thương hiệu và đẩy mạnh phân phối, tiêu thụ sản phẩm, tăng lợi nhuận, nhất là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; góp phần tích cực vào sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. 

                   Hội LHPN Tiểu Cần tham gia trưng bày sản phẩm khởi nghiệp

 Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết: năm 2022, là năm thứ 5 Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với BQL Dự án SME và Ban chỉ đạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và xác định các nhiệm vụ trọng tâm của năm, Hội đã cụ thể hoá chỉ đạo các cấp Hội tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, Hướng dẫn có hội viên phụ nữ kiến thức về khởi nghiệp và phối hợp chuyên gia khởi nghiệp đào tạo đội ngũ mentor tư vấn  hỗ trợ cho phụ nữ khởi nghiệp, Hội thảo tư vấn pháp lý về đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu sản phẩm, tiếp cận nguồn lực cho doanh nghiệp nữ, phụ nữ khởi nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và xây dựng “Sổ tay khởi nghiệp dành cho phụ nữ” với kinh phí hỗ trợ từ các chương trình/ dự án trên thực hiện hoạt động khởi nghiệp trên 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hội còn tranh thủ với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển hỗ trợ đầu tư vốn trên 6 tỷ đồng cho 146 phụ nữ khởi nghiệp. Đặc biệt, 6 tháng cuối năm Hội tập trung hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp, tổ chức học tập kinh nghiệm về xây dựng sản phầm OCOP. Phối hợp với dự án SME - Sở KHCN và công ty Vicosap tổ chức Trưng bày sản phẩm khởi nghiệp gắn với Toạ đàm kết nối doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm OCOP do phụ nữ làm chủ và ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử và tranh thủ sự phối hợp hỗ trợ của các các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh ra mắt Cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh làm điểm tham quan, mua sắm cho khách du lịch đến tỉnh.

Từ đây đến năm 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phấn đấu có 90% cán bộ Hội chuyên trách từ tỉnh đến cơ sở được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; 70% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp; hỗ trợ 400 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp, hỗ trợ thành lập 20 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý. Mục tiêu không chỉ giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng ngay trên quê hương mình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà trong xu thế đổi mới và hội nhập.

Minh Thùy 

Họ tên no image
no image
Tiêu đề no image
Nội dung no image
Mã kiểm tra no image