Bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer
Lượt xem: 2879
Trong thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã được triển khai đồng bộ, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer, trong những năm qua, việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc tại các điểm chùa, trường học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh luôn được sự ủng hộ, khuyến khích từ chính quyền địa phương và đồng bào phật tử, cả về tinh thần cũng như các hình thức hỗ trợ vật chất, kinh phí, đã trở thành phong trào học tập mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa, tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.

Lớp dạy chữ Khmer tại chùa Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú

Theo báo cáo, hằng năm Trà Vinh có gần 3.000 sinh viên, học sinh dân tộc Khmer theo học ở các bậc học: đại học, cao đẳng, trung cấp; duy trì trên 70.000 học sinh Khmer ở các bậc học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Việc đưa tiếng Khmer vào giảng dạy song song với các môn học khác tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đã giúp cho học sinh là con, em đồng bào dân tộc Khmer hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng chữ Khmer, mở rộng hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc và ý thức công dân Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã tham mưu chính quyền cùng cấp phối hợp với các ban, ngành có liên quan và Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các huyện, thị xã, thành phố vận động các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn toàn tỉnh có đủ điều kiện giảng dạy thì tiếp tục duy trì mở các lớp dạy chữ Khmer hè miễn phí cho sư sãi và đồng bào Khmer. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, các chùa còn giáo dục đạo đức, nhân cách sống, lòng hiếu thảo và nghi thức giao tiếp, ứng xử… Nhờ vậy, tinh thần học tập và ý thức của đồng bào Khmer trong việc tham gia giữ gìn chữ viết, bản sắc truyền thống dân tộc ngày càng nâng cao.

Một lớp dạy chữ Khmer trong dịp hè tại chùa Âng, thành phố Trà Vinh

Đồng bào Khmer rất có ý thức tự học để bảo tồn tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, việc dạy chữ cho cấp tiểu học theo Chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu giúp cho học sinh các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc và viết chữ. Còn những em đã lỡ chương trình hoặc người lớn hơn cấp tiểu học thì phải học tại các lớp điểm chùa ở địa phương. À Cha Thạch Luyển là người giảng dạy nhiều năm tiếng Khmer tại chùa Giồng Lớn (xã Đại An, huyện Trà Cú) cho biết: Việc được dạy chữ Khmer cho đồng bào dân tộc mình là nghĩa vụ của người học trước truyền lại cho người học sau, là truyền thống lâu đời của dân tộc Khmer. Hằng năm chùa đều có mở lớp dạy ngoài giờ học tiếng Việt ở trường hoặc thời gian nghỉ hè các em muốn học thêm tiếng Khmer thì đến các điểm chùa ở địa phương để học.

Thượng tọa Trương Văn Biển, Trụ trì chùa Giồng Lớn (Chùa Phnô Đùng, xã Đại An, huyện Trà Cú), là nơi dạy tiếng Khmer có nhiều học sinh tham gia để bảo tồn chữ viết cho biết, việc dạy chữ Khmer hè ở các chùa Phật giáo Nam tông từ trước đến nay đã trở thành truyền thống và góp phần quan trọng vào việc giảng dạy, học tập chữ Khmer cho con, em đồng bào dân tộc Khmer. Ngoài việc dạy tiếng nói, chữ viết, nhà chùa còn giáo dục về đạo đức, nhân cách sống, về sự hiếu thảo và các nghi thức giao tiếp, ứng xử... Qua đó, giúp các em từng bước tiếp thu đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ðồng bào đều xem việc học tập tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình là nhu cầu, nguyện vọng thiết thực, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của mình.

Ông Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú đánh giá, việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Trà Cú luôn được chú trọng, quan tâm, xác định việc dạy và học chữ Pali có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer bởi kinh và giáo lý Phật giáo Khmer đều dùng chữ Pali, hằng năm các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều mở các lớp dạy Pali sơ cấp, trung cấp. Với tinh thần trách nhiệm, các vị sư sãi, À Cha tham gia giảng dạy các lớp Pali cho tăng sinh, học sinh xuyên suốt trong năm học. Việc học ngôn ngữ và giữ gìn chữ viết là giữ được tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình.

Tiếng nói và chữ viết của mỗi dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung và cộng đồng dân tộc Khmer nói riêng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên những sản phẩm chứa đựng các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần, góp phần hình thành kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính vì thế, việc dạy và học chữ Khmer đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, bảo đảm an ninh chính trị, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Đồng thời, việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số phát huy được sự tham gia của cộng đồng vào sự nghiệp phát triển giáo dục, thực hiện tích cực quá trình xã hội hoá giáo dục và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.

Phạm Hơn

 

 

Tin khác