Trà Vinh quan tâm nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Khmer
Lượt xem: 4428
Tỉnh Trà Vinh có hơn 300.000 người dân tộc Khmer, chiếm gần 32% dân số của tỉnh. Các chính sách dân tộc được thực thi trên địa bàn tỉnh đã giúp bộ mặt nông thôn và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm mạnh hàng năm.

Trà Cú là huyện vùng sâu, cách trung tâm thành phố 34km, toàn huyện có 15 xã, 2 thị trấn (trong đó có 3 xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer trên 90%), có 124 ấp, khóm, dân số 155.889 người (trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 62%); có 140 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (trong này có 37 chùa Phật giáo Nam tông Khmer). Thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách kinh tế, văn hóa – xã hội; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, quyền con người luôn được đảm bảo. Những con đường liên ấp, liên xã sình lầy trước kia giờ đã được thay mới bằng đường bê tông, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp đồng bộ với nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động góp phần phát triển đời sống và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Công tác tái hòa nhập cộng đồng là một trong những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho phạm nhân và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, sớm hòa nhập với cộng đồng dân cư.

Song song đó, Công an huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng 17 câu lạc bộ “Vận động gây quỹ tái hòa nhập cộng đồng” với số tiền trên 840 triệu đồng, đã hỗ trợ 56 đối tượng với số tiền 546 triệu đồng. Qua đó, các đối tượng được nhận hỗ trợ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, góp phần ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Công an huyện đã tổ chức xây dựng mô hình “Tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa, đối tượng” tại các cơ sở tôn giáo, trong đó chú trọng đến các cơ sở Phật giáo Nam tông Khmer. Trong các ngày sinh hoạt tôn giáo, lễ, tết, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ tuyên truyền trong sư sãi, phật tử; phối hợp với lực lượng Công an xã, thị trấn giáo dục cảm hóa đối tượng vi phạm pháp luật, qua đó có nhiều thanh niên sửa đổi tốt; hòa giải thành nhiều vụ mâu thuẫn trong phật tử và quần chúng địa phương.

Ông Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, đồng bào Khmer địa phương được tiếp cận nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước như được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vay vốn xây nhà, phát triển sản xuất, tạo điều kiện sử dụng điện an toàn, nước sạch hợp vệ sinh… Đảng bộ và chính quyền luôn quan tâm chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình. Đồng bào Khmer thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để cải thiện thu nhập cho người dân, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó đã xây dựng được câu lạc bộ “Ba tốt, ba giảm” tại xã An Quảng Hữu với phương châm dân vận tốt, cảm hóa tốt, hòa giải tốt; giảm trộm cắp, giảm cờ bạc, giảm tệ nạn ma túy. Qua gần 1 năm hoạt động, câu lạc bộ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương và xây dựng xã điển hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo chủ trương Bộ Công an.

Ban chủ nhiệm câu lạc bộ “Ba tốt, ba giảm” tại xã An Quảng Hữu họp định kỳ

 Thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trà Cú đã giải ngân vốn cho 59 hộ hưởng lợi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với số tiền 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ đất cho 24 hộ với số tiền 792 triệu đồng; thực hiện Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ đã khởi công và hoàn thành xây dựng 22 công trình (04 đường nhựa, 17 đường đal, 01 hệ thống thoát nước) giải ngân 9,7 tỷ đồng. Tỉnh còn tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án, vốn tài trợ của chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng phục cho yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã nhân rộng mô hình đan các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hội phụ nữ xã Đại An, huyện Trà Cú. Để giúp cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, Chi hội phụ nữ cùng với Hội cấp trên nghiên cứu kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đầu tư vốn vay để mua nguyên vật liệu và chỉ đạo thành lập Tổ hợp tác đan đát hàng thủ công mỹ nghệ ấp Giồng Đình, với 30 thành viên tham gia (đến nay có khoảng 90 thành viên tham gia). Với nguyên liệu sẵn có tại địa phương, cộng với sự cần cù, đôi tay khéo léo của chị em, sự nhiệt tình của Tổ trưởng đã tìm tòi, sáng tạo ra các phẩm mới đẹp mắt, tiện ích, tham gia cùng địa phương giới thiệu sản phẩm, kết nối với thị trường bên ngoài, tham dự nhiều hội chợ giới thiệu và trưng bày sản phẩm trong, ngoài tỉnh. Bình quân mỗi tháng làm ra 12.000 sản phẩm, gồm 12 mặt hàng như: xà ngôn, rổ, rổ hột xoài, bình hoa, giỏ hoa, cần xé nắp, cần xé hoa, lọ tăm tre… Thu nhập của tổ viên đạt mức trên 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, các thành viên trong tổ có cuộc sống ổn định hơn, không phải đi làm ăn xa, vừa chăm sóc gia đình vừa có việc làm, góp phần kéo giảm hộ nghèo.

Chị Diệp Thị Trang, Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, hiện nay mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Tổ đan lát hàng thủ công mỹ nghệ Giồng Đình đã có đầu ra ổn định, số đơn đặt hàng hiện vượt khả năng cung ứng. Thời gian tới sẽ mở rộng mô hình thêm và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Mô hình đan các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hội phụ nữ xã Đại An, huyện Trà Cú

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, từ năm 2022- 2025, tỉnh Trà Vinh sẽ thực hiện 10 dự án với tổng kinh phí dự kiến trên 1.465 tỷ đồng để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao mức sống; trong đó, ngân sách Trung ương hơn 1.005 tỷ đồng, số tiền còn lại là nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn vay tín dụng chính sách và nguồn vốn huy động hợp pháp. Với mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt 80 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn.

Phạm Hơn

 

Tin khác