Lan tỏa phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi
Lượt xem: 3790
Mạnh dạn thực hiện khát vọng kinh doanh ngay trên mảnh đất quê mình, người phụ nữ Khmer Thạch Thị Di đã tạo ra chuỗi sản phẩm bánh tét đặc trưng, đậm vị truyền thống mang thương hiệu 9 Di. Đặc biệt, mới đây, “Bánh tét 9 Di” vinh dự được UBND tỉnh Trà Vinh tái công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Bà Thạch Thị Di, Chủ cơ sở “Bánh tét 9 Di” đang giới thiệu bánh tét thập cẩm đạt OCOP 3 sao

 Gắn bó hơn 30 năm với nghề bánh, bà Thạch Thị Di, Chủ cơ sở sản xuất “Bánh tét 9 Di” xã Phước Hảo, huyện Châu Thành chia sẻ: để đáp ứng đủ số lượng và chất lượng, cơ sở nhập loại nếp sáp Thái để nấu bánh. Nếp phải được chuẩn bị kỹ, vo nhiều nước, màu sắc đậm đà hấp dẫn của hạt nếp là được lấy từ nước lá và trái thảo mộc tự nhiên, tuyệt không dùng bất kỳ loại phẩm màu hóa học. Đây cũng là một nét riêng biệt rất hay của bánh tét xứ Trà Vinh.

Các loại nhân bánh được lựa chọn kỹ càng từ nguyên liệu đầu vào gồm đậu xanh, trứng vịt muối, thịt ba rọi, mỡ heo sạch tại các cơ sở có uy tín tại địa phương. Để nâng cao chất lượng và cải tiến kỹ thuật, cơ sở của bà Thạch Thị Di mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, gồm: máy trộn nếp, máy quết nhân bánh, máy ép nước cốt dừa, ứng dụng công nghệ trong quá trình sản xuất để tiết kiệm thời gian, nhân công và mở rộng kinh doanh,….

Bà Di nói: Hồi trước, trộn nếp thủ công bằng tay, bây giờ mình chuyển sang sử dụng máy. Những máy móc này do tự tay thiết kế, mua từ TP.HCM về ráp. Sản phẩm mình đã được chứng nhận OCOP 3 sao, sau này khi được cấp mã truy xuất nguồn gốc QR, khách hàng quẹt vô thì sẽ ra thông tin cơ sở bánh tét 9 Di. Từ ngày đạt sản phẩm OCOP, cơ sở mình rất phát triển.

Hương vị bánh tét ngày nay được phát triển mang những nét độc đáo riêng biệt của từng cơ sở, gia đình bà Di vẫn giữ được hương vị truyền thống. Trong quá trình gói bánh, đòn bánh tét phải đảm bảo không cột quá chặt tay, cũng không được lỏng tay, mà phải siết nhẹ bằng sợi dây chuối phơi khô dẻo dai thì bánh mới vừa chắc vừa mềm. Hòa cùng xu thế hội nhập và phát triển, “Bánh tét 9 Di” luôn chú trọng đến chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã cho nên trong thành phần nhân bánh khá đa dạng. Sản phẩm gồm nhiều loại như: bánh trét nước tro, bánh ú thịt, bánh tét chuối đậu, bánh tét thập cẩm 3 màu,…

Với sự cần cù, sáng tạo của mình, người phụ nữ Khmer Thạch Thị Di đã tạo ra chuỗi sản phẩm bánh tét truyền thống đậm vị, hấp dẫn và đạt chuẩn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhiều năm liền. Bà Di không ngừng trau dồi, mạnh dạn phát triển ý tưởng kinh doanh và lên kế hoạch mở rộng sản xuất, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm mới để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, mới đây - “Bánh tét 9 Di” vinh dự được tỉnh tái công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Không chỉ làm giàu chính đáng trên quê mình, cơ sở “Bánh tét 9 Di” còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ nông thôn. Mỗi ngày có từ 7 đến 10 lao động làm việc tại cơ sở, đến dịp lễ, tết thì có hơn 70 lao động.

Bà Quách Thị Sơn, ngụ ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành chia sẻ: Tôi làm ở cơ sở 9 Di này trên 1,5 năm rồi, khỏi đi làm ăn xa, gần gũi gia đình, trang trải cuộc sống cũng đầy đủ, lo cho con đi học cũng thuận tiện hơn.

Mỗi ngày, cơ sở “Bánh tét 9 Di”  sản xuất và bán ra trên 300 đòn bánh, riêng các ngày chủ nhật, ngày lễ, số lượng lại tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Vào những dịp lễ, tết Tết Nguyên đán, lượng bánh được xuất ra thị trường từ 5.000 – 7.000 đòn/ngày.

Để lan tỏa những tấm gương phụ nữ vượt khó làm kinh tế giởi, cùng với sự nỗ lực vươn lên, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế của chị em thì vai trò đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ rất quan trọng. Sau Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ nhằm thực hiện thành công mục tiêu chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Bà Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trà Vinh cho biết: Hội LHPN tỉnh kết nối hỗ trợ phụ nữ phát triển, khởi nghiệp đây là cơ hội để Hội LHPN tỉnh thể hiện vai trò kết nối các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp để lắng nghe, trao đổi về vai trò, hiệu quả của việc trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững và phúc lợi xã hội của tỉnh. Từ đó, phát triển năng lực và xây dựng, liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp cho phụ nữ, phát triển cộng đồng các doanh nghiệp do nữ giới lãnh đạo. Đồng thời tăng cường trao đổi các cơ hội, bài học kinh nghiệm và định hướng hợp tác để thúc đẩy mạnh hơn nữa vai trò phụ nữ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động kết nối, tiếp cận, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay; đồng hành giúp doanh nghiệp nữ, hộ kinh doanh đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa sản phẩm; bảo hộ tài sản trí tuệ để phát triển bền vững trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo.

 Minh Thùy

 

 

Tin khác