Năm 2022: Cả nước thiệt hại gần 19.500 tỷ đồng do thiên tai
Lượt xem: 3059
Chiều ngày 20/4, ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023. 
 

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Năm 2022, thiên tai trên thế giới và khu vực đã diễn ra rất phức tạp, nhiều trận thiên tai diễn ra với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản làm 30.700 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 224 tỷ USD. Trong nước, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai; thiên tai đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng.

Tại miền Bắc, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp trong các tháng 4,5,6. Tại khu vực miền Trung, mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt diện rộng liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, trong đó bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông. Ngoài ra, triều cường, kết hợp gió mạnh trên biển gây sóng lớn từ 1,5-2m tại khu vực biển Tây gây tràn và sạt lở đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; 247 trận động đất xảy ra liên tiếp trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum,…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, nhận định về tình hình thiên tai năm 2023, số lượng bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức trung bình nhiều năm; bão hoạt động nhiều hơn từ tháng 8-10/2023 và giảm dần từ tháng 11/2023. Đỉnh lũ các sông ở Bắc Bộ ở mức báo động (BĐ) 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ 2-3, tập trung trong các tháng 7-9; đỉnh lũ các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, Bình Thuận ở mức BĐ 1-2, có sông trên BĐ 2-3. Nguy cơ ngập lụt tại các đô thị, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc và miền Trung.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao tất cả sự đóng góp, nỗ lực của các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm chấp hành những quy định, chỉ thị, chủ trương của Trung ương, luôn thường xuyên rà soát, điều chỉnh hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh để có sự phù hợp.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị cần tập trung phòng ngừa thiên tai so với việc ứng phó; tập trung ưu tiên nguồn lực để tăng cường công tác cảnh báo và dự báo về thiên tai; làm tốt hơn công tác truyền thông để nâng cao ý thức của người dân; trong công việc phải có sự phối hợp một cách trách nhiệm, không đùn đẩy và có sự phân công minh bạch, rõ ràng; có sự chăm sóc, đầu tư tốt hơn cho những vùng bị ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra.

Nguyên Chương

 

Tin khác