Làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh
Lượt xem: 20232
Làng nghề sản xuất rượu Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành, được công nhận theo Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 18/10/2011 của UBND tỉnh Trà Vinh.  



Rượu Xuân Thạnh được nấu lần đầu tiên vào khoảng năm 1926 do người họ Hà tại ấp Xuân Thạnh, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành.
 
Thời Pháp thuộc, lính Pháp càn quét ra làng Xuân Thạnh, phát hiện những hủ rượu được giấu trong các bụi cây đế, tên gọi rượu đế xuất phát từ đó. Về sau, ra làng Xuân Thạnh uống rượu đế và gọi tên là rượu Xuân Thạnh.  

Qui trình sản xuất rượu Xuân Thạnh cũng khá đơn giản, nhưng nếu không phải là người của làng Xuân Thạnh và bề dày kinh nghiệm gia truyền thì không thể nào sản xuất ra loại rượu Xuân Thạnh có nồng độ cao, hương vị thơm nồng nàn. Nếp được nấu chín, để nguội nhưng vẫn còn đủ độ ấm, trộn đều với 14 loại men rượu, 48 dòng nấm mốc, 35 dòng nấm men gia truyền, cho vào hủ ủ kín trong 03 ngày. Tiếp theo cho nước (nước giếng tại làng Xuân Thạnh, vì khu vực này là đất giồng cát) với hàm lượng vừa đủ vào hủ cơm rượu đã ủ men và ủ tiếp 03 ngày nữa, sau đó đem chưng cất, trong quá trình chưng cất phải để lửa cháy đều vừa đủ để rượu chưng cất từng giọt đảm bảo nồng độ và hương vị, từ đó cho ra đời 03 loại rượu chủ yếu: Rượu Xuân Thạnh trắng (làm từ nếp trắng) nồng độ từ 50 – 55 độ, Rượu Xuân Thạnh lão tửu (làm từ nếp than) nồng độ từ 20 – 29 độ, Rượu Chuối hột (làm từ nếp trắng và chuối hột) nồng độ từ 29 – 40 độ, tuy khác về nồng độ nhưng tất cả đều mang hương vị thơm nồng lâng lâng say đắm. Trong một lần về thăm quê hương Trà Vinh, soạn giả Anh Kiệt đã trải lòng mình: 

Anh ở Sài Gòn đã quen mùi phố thị
Về quê em miền sông nước Trà Vinh
Phút tương giao sao vương vấn mối thâm tình
Khi em rót cho anh ly rượu nồng Xuân Thạnh...,

(Theo dulichtravinh.com.vn)
1 người đã bình chọn