Trà Vinh đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh kinh tế tư nhân

Ở các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 85% GDP (trong khi đóng góp của kinh tế tư nhân ở Việt Nam dự báo năm 2020 khoảng 50%), có thể nói kinh tế tư nhân là nền tảng, là trụ cột đảm bảo cho nền kinh tế quốc gia phát triển ổn định, vững mạnh. Không ai khác, chính kinh tế tư nhân đã mang lại công ăn việc làm và lượng của cải khổng lồ không chỉ cho riêng cho khối tư nhân mà cho toàn xã hội, đáp ứng tốt hơn đời sống vật chất tinh thần của con người.

Nếu có cái nhìn khách quan sẽ thấy khát vọng làm giàu chân chính của con người đã sản sinh ra kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân và cũng là động lực quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Nếu con người không có khát vọng làm giàu thì làm sao thế giới có những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh và danh tiếng toàn cầu như: Apple, Microsoft, Toyota, Sony, Samsung… (những năm gần đây ở nước ta cũng nổi lên một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh như Tập đoàn Vingroup, Hòa Phát, ôtô Trường Hải, Masan, FPT…)  Những tập đoàn, công ty tư nhân này đóng vai trò đầu tàu đưa quốc gia trở thành những cường quốc kinh tế, đó cũng là những thương hiệu mang lại niềm kiêu hãnh cho người dân của các quốc gia đó.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (năm 1986), đã đề ra đường lối Đổi mới, với chủ trương đa dạng hoá các loại hình sở hữu, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần từ mô hình kinh tế đơn thành phần là nhà nước. Đảng ta thừa nhận kinh tế thị trường là phương thức phát triển kinh tế năng động nhất mà nhân loại đã tìm ra, là sản phẩm của nền văn minh nhân loại, chứ không phải chỉ là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản. Đây là bước ngoặt về đổi mới tư duy của Đảng, mở đường cho đất nước phát triển, để người dân thực hiện quyền tự do kinh doanh. Đặc biệt là sau Đại hội X (năm 2006), khi kinh tế tư nhân được xác định là thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, không hạn chế về quy mô.

Trải qua gần 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân không chỉ dần được phục hồi mà còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, dấu mốc quan trọng là tháng 6/2017, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) BCH Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự ra đời của Nghị quyết đã tạo được sự hứng khởi cho khối kinh tế tư nhân và đồng thuận trong xã hội.

Thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh sẽ góp phần hình thành các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở ra cơ hội và tạo động lực thu hút đầu tư và ngược lại, nếu thu hút đầu tư mạnh thì kinh tế tư nhân phát triển nhanh, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định xã hội, cải thiện đời sống nhân dân… Chỉ khi thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân lớn mạnh mới có dân giàu, nước mạnh.

Đối với Trà Vinh, bên cạnh tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, thời gian qua tỉnh đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động, đặc biệt là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân và thu hút đầu tư như Nghị quyết số 11 (chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư), Nghị quyết số 19 (chính sách ưu đãi đối với cơ sở xã hội hóa), Nghị quyết số 70 (chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực phát triển du lịch), Nghị quyết số 77 (chính sách hỗ trợ tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn)… trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế hiện có. Nhờ đó, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tư đã có những bước phát triển đáng kể và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế của tỉnh. Giai đoạn 2015 -2020, toàn tỉnh thu hút được 253 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký trên 40.000 tỷ đồng và 20 dự án ngoài nước với số vốn đăng ký trên gần 03 tỷ USD; đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, hộ cá thể trong tổng đầu tư toàn xã hội trên 68%. Phát triển trên 1.850 doanh nghiệp; đến nay, toàn tỉnh có 374 dự án đầu tư, trên 3.000 doanh nghiệp và trên 20 ngàn hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho gần 90.000 lao động; đóng góp của kinh tế tư nhân trong GRDP gần 62%.

Tuy nhiên, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế tư nhân của tỉnh ta còn những hạn chế nhất định: kết quả thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, chưa hình thành được doanh nghiệp quy mô lớn, có sức ảnh hưởng hoặc dẫn dắt và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể.

Mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra là đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân đầu tư phát triển, phấn đấu trong 5 năm tới tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 160.000 tỷ đồng (trong đó khu vực tư nhân chiếm khoảng 48%); phát triển mới 2.500 doanh nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp của tỉnh đến cuối năm 2025 đạt 5.565 doanh nghiệp và tăng trưởng GRDP từ 10% trở lên. Để góp phần thực hiện mục tiêu trên, tỉnh cần tập trung số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung cải thiện hình ảnh, môi trường đầu tư, tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc xây dựng hình ảnh Trà Vinh thân thiện, an toàn hiệu quả cho các nhà đầu tư khi đến đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Hoàn thành Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tạo cơ sở pháp lý phục vụ công tác quản lý, điều hành, công khai minh bạch các quy hoạch để kêu gọi đầu tư. Kêu gọi đầu tư trên cơ sở đảm bảo hài hòa giữa lợi ích nhà nước với lợi ích tư nhân, giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Tranh thủ các nguồn lực từ bộ, ngành Trung ương, từ các doanh nghiệp và ngân sách tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Định An, kiến nghị Trung ương sớm thi công cầu Đại Ngãi, đầu tư các tuyến đường hành lang ven biển, hoàn thiện Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Đầu tư hoàn thành Khu dịch vụ công nghiệp Ngũ Lạc. Kêu gọi đầu tư Cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với quy hoạch hệ thống cảng biển đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối giao thông với các tỉnh, thành trong khu vực và nước ngoài, tạo đột phá về thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển dịch vụ vận tải biển, kho ngoại quan, logistics, khu phi thuế quan, khu dịch vụ công nghiệp, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa... Đây là những ngành có lợi thế của tỉnh và có sức ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư bằng cách vận dụng tốt các chính sách thu hút nguồn nhân lực, chế độ đãi ngộ, đào tạo để có những cán bộ có chất lượng thực hiện công tác xúc tiến đầu tư. Thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư; kịp thời giải quyết tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

Thứ hai, rà soát, hoàn thiện các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư tư nhân và đảm bảo hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, cập nhật, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021 – 2025; Sớm thành lập và đưa vào hoạt động Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp cấp huyện; tập trung thực hiện đề án hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh năm 2020 - 2022 định hướng năm 2025; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức Hội, Hiệp hội doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm tăng cường liên kết và phát triển bền vững cộng đồng doanh nghiệp địa phương. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 168-KH/TU ngày 27/4/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao thứ hạng các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, sự phục vụ hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử.

Thứ ba, mở rộng khả năng tham gia thị trường và đẩy mạnh cạnh tranh bình đẳng cho kinh tế tư nhân; tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tiếp cận, khai thác các cơ hội trong hội nhập quốc tế, thực thi các hiệp định thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. Khuyến khích và tạo điều kiện để kinh tế hộ cá thể sản xuất riêng lẻ chuyển sang liên kết sản xuất tập trung, quy mô lớn hoặc chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Thứ tư, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực cho kinh tế tư nhân để mở rộng sản xuất, nhất là nguồn vốn ủy thác của dự án SME Trà Vinh, vốn Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ bảo bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh.

Thứ năm, hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, vườn ươm công nghệ cao và các doanh nghiệp khoa học – công nghệ. Phấn đấu trên 70% các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, quản lý. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế tư nhân. Đề cao văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội của Nhà đầu tư, doanh nghiệp và hộ kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Có thể khẳng định, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân là xương sống của nền kinh tế, không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo ra của cải cho xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, việc tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tư nhân là hết sức quan trọng và rất cần thiết, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi cho mục tiêu Nghị quyết Đại hội 5 năm tới và là nền tảng quan trọng để Trà Vinh sớm trở thành tỉnh phát triển nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030./.

Tin khác
1 2 3 4 5 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 126
  • Trong tuần: 1 130
  • Tất cả: 2493445