Trà Vinh ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 – 2025

Ngày 09/02/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 298/QĐ-UBND ban hành Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 – 2025.

Mục tiêu chính của Chương trình nhằm hỗ trợ, phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của toàn dân về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời tăng cường năng lực của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm phát huy hơn nữa vai trò liên kết, hợp tác, hỗ trợ thành viên và cộng đồng khu vực; tăng cường năng lực cạnh tranh của kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân trong điều kiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025:

- Phát triển mới từ 250 tổ hợp tác trở lên, 50 hợp tác xã và 01 – 02 Liên hiệp Hợp tác xã;

- Phấn đấu phát triển thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hàng năm tăng từ 15 – 20%;

- Phấn đấu có 100% hợp tác xã hoạt động đúng Luật Hợp tác xã năm 2012;

- Phấn đấu 100% huyện, thị xã, thành phố có từ 03 mô hình trở lên hợp tác xã kiểu mới gắn với thực hành sản xuất xanh, gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm chủ lực của địa phương;

- Tỷ lệ cán bộ quản lý hợp tác xã có trình độ từ sơ cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành, lĩnh vực hoạt động của hợp tác xã, đạt từ 60% trở lên.

 - Năng lực quản lý, điều hành của tổ hợp tác và hợp tác xã tiếp tục được nâng cao, trong đó 100% cán bộ của tổ hợp tác và hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp được đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức quản lý và nghiệp vụ chuyên môn.

- Tăng cường sự liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo chuỗi để tăng mạnh lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng; đưa tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng lên khoảng 20 - 30% vào năm 2025.

- Tăng cường công tác truyền thông quảng bá các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả để tuyên truyền nhân rộng.

Chương trình có 05 nội dung hỗ trợ, bao gồm:

(1) Thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, nội dung hỗ trợ là cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn, phổ biến quy định pháp luật về kinh tế tập thể, hợp tác xã; hỗ trợ, tư vấn xây dựng hoặc sửa đổi điều lệ; hướng dẫn và thực hiện các thủ tục sắp xếp, củng cố lại tổ chức, hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cho phù hợp với các quy định hiện hành.

(2) Nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể, nội dung hỗ trợ gồm 02 hình thức là đào tạo và bồi dưỡng:

- Đào tạo:

+ Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Học phí theo mức quy định của cơ sở đào tạo; kinh phí mua giáo trình của khóa học; chi phí ăn, ở.

+ Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, giảng viên: Cấp học bổng đào tạo, nghiên cứu dài hạn trong nước về hợp tác xã và các chuyên ngành hỗ trợ trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Học bổng bao gồm: Toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn ở và sinh hoạt theo quy định.

+ Đối với hình thức đào tạo trực tuyến từ các viện, trường, bộ ngành trung ương tổ chức; các đối tượng tham gia khóa đào tạo trực tuyến sẽ được hỗ trợ chi phí in ấn tài liệu.

- Bồi dưỡng:

+ Đối với thành viên, người lao động của tổ chức kinh tế tập thể: Chi phí đi lại từ trụ sở đến cơ sở bồi dưỡng (trừ vé máy bay); kinh phí mua tài liệu của chương trình đào tạo; các khoản chi phí tổ chức, quản lý lớp học; thuê hội trường; thù lao giảng viên; tham quan, quan sát; chi phí ăn, ở theo định mức được áp dụng tương tự như đối với công chức nhà nước.

+ Đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, (bao gồm toàn bộ kinh phí đi lại, tài liệu, giáo trình, học phí, bảo hiểm, chi phí ăn, ở và sinh hoạt theo quy định của chế độ tài chính hiện hành) và tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn trong nước.

+ Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể: Hỗ trợ lương cho người lao động tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc tại các tổ chức kinh tế tập thể.

(3) Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, nội dung hỗ trợ gồm:

- Kinh phí tham gia các hội chợ, triển lãm, diễn đàn trong và ngoài nước; chứng nhận chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc.

- Xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm HTX gắn với sản phẩm OCOP; hỗ trợ chi phí thuê địa điểm và vận hành một số điểm giới thiệu, bán sản phẩm cho các tổ chức kinh tế tập thể tại các địa phương trong tỉnh.

- Xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử cho các tổ chức kinh tế tập thể.

(4) Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm, nội dung hỗ trợ gồm:

- Xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm, xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị (bao gồm: Máy móc sơ chế, chế biến, kho lạnh bảo quản sản phẩm) phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên.

- Xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, diêm nghiệp (bao gồm: Cống, trạm bơm, giếng, đường ống dẫn nước, đập dâng, kênh, bể chứa nước, công trình trên kênh và bờ bao các loại, hệ thống cấp nước đầu mối phục vụ tưới tiết kiệm; đường trục chính giao thông nội đồng, đường ranh cản lửa).

- Xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, hải sản bao gồm: Hệ thống cấp thoát nước đầu mối (ao, bể chứa, cống kênh, đường ống cấp, tiêu nước, trạm bơm), đê bao, kè, đường giao thông, công trình xử lý nước thải chung đối với vùng nuôi trồng thủy sản; hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè; nâng cấp và phát triển lồng bè nuôi trồng thủy sản tập trung của hợp tác xã nông nghiệp trên biển.

(5) Các hỗ trợ khác đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã thực hiện theo quy định hiện hành.

Thông qua Chương trình này, tỉnh kỳ vọng sẽ tiếp sức và tạo sự chuyển biến rõ nét, sớm khắc phục các hạn chế, yếu kém hiện nay của kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên và người lao động, hình thành được các mô hình HTX kiểu mới gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Trà Vinh đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025./.

Xem chi tiết Quyết định 298/QĐ-UBND ngày 09/02/2021.

 

Tin khác
1 2 3 4 5 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 1 026
  • Tất cả: 2493466