Đột phá cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế biển

Trà Vinh là một trong các tỉnh ven biển và nằm phía đông khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phía Bắc giáp sông Tiền ngăn cách bởi sông Cổ Chiên là tỉnh Bến Tre, phía Tây Nam giáp với tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ qua ranh giới sông Hậu, phía Tây giáp tỉnh Vĩnh Long, phía Đông là biển Đông, có diện tích 2.358 km2, với chiều dài bờ biển khoảng 65 km, chiếm 8,7% trong khu vực ĐBSCL; 09 đơn vị hành chính cấp huyện; trong đó: có 05/09 đơn vị hành chính cấp huyện ven biển có diện tích 1.523 km2, chiếm 64,56%. Các huyện, thị xã ven biển có lợi thế và tiềm năng rất lớn về phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; với diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 33.810 ha, chiếm 93,99% và 1.189 tàu đánh bắt thủy sản với công suất 145.105 CV; 53 tổ hợp tác khai thác và liên kết hậu cần nghề cá có 230 chủ tàu cá tham gia hoạt động

Biển Trà Vinh có nguồn lợi dồi dào, phong phú và đa dạng sinh học, có 73 loài thuộc 5 ngành thực vật phù du, đa phần tập trung vào ngành tảo Silíc và các ngành tảo có nguồn gốc nước mặn, mật độ trung bình 666/cá thể/lít; có 48 loài động vật phù du khá là phong phú; nguồn lợi thủy sản cá có 40 họ, 78 loài giống và 150 loài cá biển ven bờ, nước lợ và cá di cư; trữ lượng tôm biển ở các cửa ven biển có 97-212 kg/ha (Bắc Cung Hầu) và 64-249 kg/ha (Cửa Định An); hải sản ở vùng biển Đông có nhiều loại có giá trị kinh tế cao như cá ngừ, cá hồng, cá thu,….; sản lượng khai thác hải sản bình quân hàng năm khoảng 65.000 tấn. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh, nhất là nuôi ứng dụng công nghệ cao, với 37.516 ha đất nuôi trồng thủy sản, sản lượng hàng năm đạt khoảng 127.000 tấn (trong đó sản lượng nuôi nước mặn, nước lợ chiếm khoảng 95%).

Khu Kinh tế Định An quy hoạch với quy mô 39.020 ha là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, đô thị và nông - lâm - ngư nghiệp nằm trên địa bàn huyện Trà Cú và Duyên Hải được quy hoạch các khu công nghiệp như Khu Công nghiệp Định An; Khu Công nghiệp Đôn Xuân – Đôn Châu; Khu công nghiệp Ngũ Lạc; khu dịch vụ công nghiệp; khu kho ngoại quan; khu phi thuế quan. Trung tâm nhiệt Điện Duyên Hải nằm trong Khu Kinh tế Định An đã đầu tư hoàn thành 03 nhà máy nhiện điện Duyên Hải 1, 3 và 3 mở rộng tổng công suất 3.178MW đang hoạt động; nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, công suất 1.320MW và 05/06 dự án nhà máy điện gió, công suất 370 MW đang triển khai dự kiến đưa vào vận hành thương mại trong năm 2021; 04 dự án, công suất 396 MW đã bổ sung vào quy hoạch điện VII và 17 dự án, công suất 2.400 MW đang đăng ký vào quy hoạch điện VIII.

Hạ tầng đường bộ cơ bản được đầu tư đạt chuẩn nối các tuyến quan trọng đến thành phố Trà Vinh và các tỉnh lân cận như Quốc lộ 53 đang dược đầu tư nâng cấp đạt chuẩn cấp III nói với trung tâm tỉnh là thành phố Trà Vinh; Quốc lộ 60 nối tỉnh Sóc Trăng – tỉnh Trà Vinh – tỉnh Bến Tre, Quốc lộ 53 từ Vĩnh Long – Trà Vinh, Quốc lộ 54 đã được đầu tư, nâng cấp nói các tỉnh lân cận và thành phối Hồ Chí Minh và chuẩn bị triển khai Cầu Đại Ngãi nói tỉnh Sóc Trăng. Đây là các tuyến quan trọng để kết nói giao thông liên vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh nói riêng và vùng nói chung. Giao thông thủy qua Kênh Quan Chánh Bố đã được đầu tư thông luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, đây là một công trình rất quan trọng với vị trí là cửa ngỏ để vận chuyển hàng hóa, thương mại dịch vụ, du lịch và giao lưu văn hóa - xã hội.

Du lịch đang phát triển các tuyến du lịch biển như: Công nhận điểm du lịch cộng đồng Cồn Chiên; Khu du lịch biển Ba Động phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn và nghĩ dưỡng; phát triển kinh tế biển gắn với du lịch sinh thái rừng ngập mặn huyện Cầu Ngang; phát triển khu du lịch tâm linh.

Xác định kinh tế biển là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020 và hơn 3 năm thực hiện Chương trình số 30-CTr/TU, ngày 26/12/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, chủ quyền quốc gia được nâng lên. Kinh tế biển tăng trưởng bình quân 10,5%/năm; giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70% tổng giá trị sản xuất của toàn tỉnh; giá trị tăng thêm ngành thủy sản bình quân khoảng 3,6%/năm; thu nhập bình quân đầu người các huyện, thị xã ven biển gấp khoảng 1,1 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh. Công tác quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên, môi trường biển được triển khai đồng bộ, bước đầu đạt kết quả nhất định. Kết cấu hạ tầng các huyện, thị xã ven biển được quan tâm đầu tư: Cảng cá kết hợp khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; các tuyến giao thông kết hợp đê bao ven biển; công trình thủy lợi; khu dân cư, tái định cư; trường học; bệnh viện, trạm y tế được hoàn thành và đưa vào sử dụng; tỷ lệ hộ dân vùng ven biển sử dụng điện đạt 98,33%; nước sạch và nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ khá([1]); đời sống nhân dân vùng ven biển từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới biển được bảo vệ vững chắc; thị xã Duyên Hải được thành lập vào năm 2015 theo Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiện, kinh tế biển vẫn còn những khó khăn nhất định; phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế vùng biển; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản còn hạn chế, khả năng cạnh tranh thấp, công nghiệp chế biến còn yếu. Khu kinh tế Định An thiếu nguồn lực triển khai các hạng mục thiết yếu, xúc tiến mời gọi đầu tư còn nhiều khó khăn; đánh bắt xa bờ phát triển chậm, số tàu có công suất lớn còn ít, ngư cụ đánh bắt chưa đủ mạnh, thiết bị công nghệ chưa hiện đại; việc hỗ trợ vốn đầu tư cho ngư dân cải hoán tàu khai thác thủy sản còn ít. Tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bão, sạt lở bờ sông, bờ biển ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của nhân dân vùng biển. Ngành dịch vụ cảng biển, vận tải biển, hậu cầu nghề cá chậm phát triển; chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch biển chưa hấp dẫn du khách; tỷ lệ hộ nghèo các huyện vùng ven biển còn cao so với bình quân chung của tỉnh([2]).

Với vai trò và vị trí quan trọng của kinh tế biển đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới, thật sự là ngành kinh tế mủi nhọn, góp phần đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long theo nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI[3]; trên cơ sở quán triệt sâu sắc, đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra tại Chương trình số 30-CTr/TU, ngày 26/12/2018 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biến đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh; mục tiêu, Trà Vinh đề ra nhiệm vụ trong 5 năm tới đó là:

- Tổng giá trị sản xuất các huyện, thị xã ven biển đóng góp khoảng 70 - 75% giá trị sản xuất của toàn tỉnh; thu nhập bình quân đầu người gấp 1,2 lần so với thu nhập bình quân chung của tỉnh.

- Đến năm 2025 giá trị tăng thêm ngành thủy sản tăng trưởng bình quân 5%/năm; sản lượng thủy sản đạt khoảng 300.000 tấn (trong đó nuôi trồng 200.000 tấn, khai thác 100.000 tấn).

- Phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, phấn đấu du lịch biển tăng tưởng bình quân hàng năm 15%, đến năm 2025 chiếm 10% tỷ trọng của toàn ngành.

- Triển khai quy hoạch đồng bộ Khu Kinh tế Định An; đẩy mạnh thu hút đầu tư các ngành nghề theo quy hoạch; sớm hoàn thành đưa vào sử dụng bến cảng tổng hợp Định An;

- Phấn đấu khai thác tồi đa tiềm năng, lợi thế năng lượng tái tạo tổng công suất 46.500MW. Trong đó:

+ Điện gió công suất 33.787MW (giai đoạn 2021 – 2030 là 4.587MW; giai đoạn 2031 - 2045 là 29.400MW);

+ Điện năng lượng mặt trời công suất 7.587MW (giai đoạn 2021 – 2025 là 4.587MW, giai đoạn 2026 – 2045 là 29.200MW);

+ Điện khối công suất 110MW (giai đoạn 2031 – 2035);

+ Điện rác công suất 21,13MW (giai đoạn 2031 – 2035);

+ Điện khí công suất 5.000MW (giai đoạn 2021 – 2030 là 2.000MW, giai đoạn 2031 – 2045 là 3.000MW).

- Thị xã Duyên Hải hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, đạt các tiêu chí đô thị loại III; thị trấn Cầu Ngang đạt tiêu chí đô thị loại IV; các huyện: Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải đạt tiêu chí huyện Nông thôn mới.

Để đạt được mục trên, nhiệm vụ đặt ra trong 5 năm tới cần tập trung vào các khâu đột phá đó là:

- Về nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Phát triển công nghiệp biển như chế biến thủy sản, đầu tư nhà máy đóng tàu, thuyền,… Quy hoạch lại ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản; phát triển du lịch biển; tập trung đầu tư hoàn thiện một số hạng mục cơ sở hạ tầng quan trọng về kinh tế biển; Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển; Bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế biển với quốc phòng - an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Về cơ chế chính sách: Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế Định An và xúc tiến đầu tư các dự án lớn về du lịch; công nghiệp. Tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp – thủy sản. Tiếp tục thực hiện có kết quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả Khu công nghiệp, các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, PCI, tạo môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng, lành mạnh.

- Các nhiệm vụ chủ yếu:

Tập trung rà soát, điều chỉnh và xây dựng đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; trong đó, cần chú trọng quy hoạch ngành thủy sản, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu nội ngành, ưu tiên phân bổ và có chính sách thúc đẩy phát triển các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao; ứng dựng công nghệ trong nuôi trồng và đánh bắt để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; bật dậy tiềm năng biển, nâng cao lợi thế so sánh của tỉnh với những địa phương không có biển trong phát triển kinh tế - xã hội.

Xây dựng Đề án phát triển kinh tế biển của tỉnh với tầm nhìn xa hơn, làm cơ sở cho các huyện, thị xã trong tỉnh cụ thể hóa, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, đột phá của tỉnh. Quản lý chặt chẽ kế hoạch sử dụng đất ven biển và vùng biển ven bờ khi giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch, kế hoạch ngành, lĩnh vực để tạo ra giá trị gia tăng cho tỉnh. Phối hợp với các cơ quan Trung ương quy hoạch không gian biển quốc gia vào quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ trên địa bàn tỉnh, tạo cơ sở pháp lý để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế biển, ven biển.

Tổ chức thực hiện đồng bộ Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn. Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch các dự án điện năng lượng mặt trời và các dự án điện gió([4]) ngoài khơi; đồng thời, đầu tư hạ tầng truyền tải điện, phấn đấu đến năm 2025 Trà Vinh trở thành trung tâm năng lượng của vùng.

Đẩy mạnh khai thác thủy sản ở những vùng biển xa bờ, gắn khai thác bền vững với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Từng bước hiện đại hóa công tác quản lý tàu cá, công tác bảo quản sản phẩm sau khai thác với công nghệ tiên tiến để thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Đầu tư nâng cấp và nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ; đầu tư nâng cấp và mở rộng dịch vụ Cảng cá Định An; khôi phục Làng nghề chế biến thủy sản Mỹ Long (huyện Cầu Ngang) và Đông Hải (huyện Duyên Hải).

Tập trung rà soát lại diện tích nuôi trồng cả trong đất liền và vùng bãi bồi ven biển. Phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; lựa chọn các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Củng cố, sắp xếp, khôi phục lại các hợp tác xã nuôi nghêu hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản([5]). Tăng cường công tác quản lý nhà nước về con giống, thức ăn thủy sản, thuốc, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; quản lý thời vụ, môi trường.

Tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện các hạng mục hạ tầng quan trọng Khu Kinh tế Định An, phát triển các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế như: Khu công nghiệp Đôn Xuân - Đôn Châu; Khu công nghiệp Định An và các phân khu chức năng trong Khu kinh tế như: Khu Ngoại quan; Khu phi thuế quan; hệ thống phân phối hàng hóa... Hoàn thành đầu tư Khu Dịch vụ - công nghiệp Ngũ Lạc để thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ logistics trên cơ sở phát triển cảng biển và Khu Kinh tế Định An. Đầu tư hạ tầng kết nối với 4 xã đảo huyện Duyên Hải, sớm thi công Dự án Cầu Đại Ngãi thông tuyến Quốc lộ 60; đầu tư xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và các tuyến giao thông kết nối Khu Kinh tế Định An, các huyện ven biển với các trục giao thông chính như: Cao tốc Hồng Ngự - Vĩnh Long - Trà Vinh; Cao tốc Long Xuyên - Cần Thơ - Sóc Trăng qua Cầu Đại Ngãi; kết nối vùng ven biển Bến Tre qua Cầu Bãi Vàng.

Quy hoạch phát triển mới các đô thị ven biển gắn với đầu tư hạ tầng giao thông tuyến ven biển, phát triển công nghiệp, làng nghề biển; chợ đầu mối hải sản, gắn kết với phát triển mạnh các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, nhà nghỉ dưỡng, phố hải sản, khu ẩm thực biển.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên biển và ven biển, nhất là việc khai thác tài nguyên nước, tài nguyên cát bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn ngừa xói lở, biển xâm thực. Phát triển một số hoạt động thăm dò, khai thác các quặng, mỏ khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung kệu gọi đầu tư Bến cảng Trà Cú, Bến cảng tổng hợp Định An, khuyến khích đầu tư phát triển các đội tàu vận tải biển phục vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu gắn với phát triển ngành công nghiệp đóng tàu trong Khu Kinh tế Định An, phát triển các đô thị mới ven biển.

Phát triển các ngành dịch vụ và dịch vụ biển; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng, ưu tiên theo hình thức xã hội hóa đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Khu du lịch Biển Ba Động trở thành khu nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; phát triển các tuyến, chuyến du lịch biển tham quan các địa điểm như: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, tham quan rừng ngặp mặn - các công trình điện gió, điện năng lượng, làng nghề cá; phát triển một số loại hình dịch vụ du lịch trên biển tham quan điện gió...; kêu gọi đầu tư tàu du lịch cao tốc Định An - Côn Đảo; khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn; du lịch hàng dương; Nông trường 22/12, Cồn Chim, gắn với phát triển mô hình du lịch cộng đồng; phát triển các phòng trưng bày, mua bán các mặt hàng quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm hải sản, sản phẩm đặc sản của Trà Vinh.

Tập trung đầu tư hoàn thành các hệ thống đê bao, hệ thống cống và hệ thống thuỷ lợi ngăn thủy triều, nước biển dâng, phòng, chống xói lở. Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 177-KH/TU, ngày 01/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai nhằm chủ động ứng phó với các tác động bất lợi của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, ngập úng, xói lở bờ sông, bờ biển… Tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về biển và đại dương, xây dựng xã hội, ý thức, lối sống, hành vi văn hoá gắn bó, thân thiện với biển. Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa người dân vùng biển, nhất là lễ nghi, tín ngưỡng, thói quen, kinh nghiệm thích nghi với môi trường biển, văn hóa ẩm thực, văn hóa đánh bắt và bảo vệ môi trường biển, bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân với biển một cách công bằng, bình đẳng.

Có chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động vùng ven biển, giảm tỷ lệ thất nghiệp, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân của các huyện ven biển xuống thấp hơn tỷ lệ bình quân chung của tỉnh; thu nhập bình quân đầu người cao hơn thu nhập bình quân chung của tỉnh. Tổ chức rà soát, đánh giá Đề án Quy hoạch nguồn nhân lực tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, gắn với quy hoạch tổng thể tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 làm cơ sở xây dựng đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển giai đoạn 2021 – 2025.

Tăng cường phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập, tăng cường quan hệ đối ngoại, tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên biển. Tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, ứng dụng khoa khoa công nghệ và bảo tồn sinh thái biển, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Giải pháp thu hút đầu tư

Rút ngắn thời gian lập hồ sơ đất đai và giải phóng mặt bằng, để các nhà đầu tư có thể triển khai ngay dự án ngay sau khi được chấp nhận chủ trương đầu tư.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, các quy hoạch phải có độ tin cậy lớn, thời gian của quy hoạch phải được nghiên cứu dài hạn để thể hiện sự ổn định về chính sách của địa phương, làm cho các nhà đầu tư an tâm. Rà soát, bổ sung và công bố rộng rãi danh mục các quy hoạch đã được phê duyệt.

Cải cách thủ tục hành chính và công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để  tạo môi trường thu hút đầu tư; tạo điều kiện cho các dự án sau khi được cấp phép triển khai nhanh và sớm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.   

Cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật tạo sự hấp dẫn các nhà đầu tư: phát triển đồng bộ và hợp lý hệ thống giao thông; cấp điện, thủy lợi, thông tin liên lạc; hạ tầng thu gom và xử lý nước thải, chất thải… Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng KKT, các KCN.

Đầu tư nâng cao năng lực, mạng lưới đào tạo nhân lực. Có chương trình, kế hoạch thích hợp; nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực bám sát yêu cầu của các nhà đầu tư. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng. 

Liên kết vùng, Tiểu vùng phía đông trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội; liên kết phát triển kết cấu hạ tầng; đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học; hoạch định tổ chức thu hút đầu tư; lãnh đạo thực thi thu hút đầu tư; nhất là 8 nội dung đã được 4 tỉnh trong Tiểu vùng phía động ký kết.



([1]) Nước sạch nông thôn đạt 66,44%; nước hợp vệ sinh nông thôn 99,78%; nước sạch đô thị 92,65%.

([2]) Huyện Châu Thành: 1,94%; huyện Cầu Ngang: 3,18%; huyện Trà Cú: 2,63%; huyện Duyên Hải: 3,59%; thị xã Duyên Hải: 0,86%. Tỷ lệ bình quân chung của 5 huyện là 2,55 so với 1,8% của tỉnh.

[3]  Trang 101 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

([4]) 04 dự án điện năng lượng và 25 dự án điện gió tại cá huyện ven biển.

([5]) Hệ thống thủy lợi, điện, đường.

Tin khác
1 2 3 4 5 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 12
  • Hôm nay: 236
  • Trong tuần: 22 791
  • Tất cả: 2478605