Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân vượt khó giai đoạn 2020-2021

Ngày 10/10/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh tổ chức họp mặt doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 bằng hình thức trực tuyến.

Tại điểm cầu UBND tỉnh, đến dự có ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh; ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, cùng 42 doanh nghiệp, doanh nhân tham dự tại 02 điểm cầu của UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn ôn lại truyền thống của ngày Doanh nhân Việt Nam

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn ôn lại truyền thống của ngày Doanh nhân Việt Nam. Đội ngũ doanh nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh điều kiện phát triển của tỉnh còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm thấp, nhưng doanh nhân Trà Vinh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát triển và đóng góp vào GRDP trên 10,34%/năm, giải quyết việc làm cho gần 52.000 lao động (chiếm 9,4% tổng số lao động đang làm việc toàn tỉnh).

Ông Hồng Ngọc Hưng – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tham luận tại buổi họp mặt

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng, Thủ tướng chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều văn bản và trực tiếp chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 bảo vệ sức khỏe, tính mạng, chăm lo đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhưng đây là đợt dịch do biến chủng mới gây ra, lây lan nhanh, phạm vi rộng, tỉnh phải phong tỏa nhiều khu vực, thiết lập 97 vùng cách ly y tế, 07 bệnh viện dã chiến… với quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Tính đến ngày 09/10/2021, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.636 ca mắc Covid-19 (có 42 ca nhập cảnh), đã điều trị khỏi 1.435 trường hợp, có 21 trường hợp tử vong.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong quý III/2021; theo ước tính của Tổng cục Thống kê, GRDP 9 tháng năm 2021 tăng trưởng âm 3,56% (cùng kỳ  năm 2020 tăng 5,55%), trong đó: khu vực I tăng 2,81%; khu vực II âm 9,28%; khu vực III âm 2,02%.

Do thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thị trường xuất khẩu, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, chuỗi sản xuất - cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, nguyên liệu sản xuất khan hiếm, giá nguyên vật liệu tăng cao, các hoạt động kinh doanh buôn bán, ăn uống, lưu trú, du lịch, vui chơi giải trí… đều tạm dừng hoạt động, chỉ duy trì kinh doanh các mặt hàng thiết yếu dẫn đến sức mua giảm sâu vào tháng 8 và tăng trở lại trong trung tuần tháng 9. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 9 đạt 1.518,69 tỷ đồng, tăng gần 30% so với tháng trước, lũy kế 9 tháng đạt 25.183,86 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch, giảm 1,8% so với cùng kỳ, trong đó: (1) Bán lẻ hàng hóa giảm 0,3%, (2) Lưu trú ăn uống giảm 1,7%, (3) Du lịch giảm 15,3% và (4) Dịch vụ khác giảm 10%. Hầu hết các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 32.000 lao động bị ngừng việc.

Trong 9 tháng đầu năm đã tiếp và làm việc với 39 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư thuộc lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như logistics, cảng nước sâu, điện khí, điện mặt trời, điện gió, du lịch, nông nghiệp, thủy sản… lũy kế 9 tháng thu hút 16 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 10.320,76 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 383 dự án đang đầu tư, kinh doanh (41 dự án FDI), trong đó: 289 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ; 44 dự án đang triển khai; 43 dự án đang thực hiện thủ tục pháp lý và 07 dự án đang thực hiện thủ tục chấm dứt dự án.

Phát triển doanh nghiệp có xu hướng chậm lại do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, trong tháng 9 chỉ phát triển mới 08 doanh nghiệp, giảm hơn một nửa so với tháng 8 và chỉ bằng 1/3 so với trung bình các tháng, đầu năm đến nay phát triển mới 261 doanh nghiệp, đạt 52,2% kế hoạch. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 3.190 doanh nghiệp, vốn đăng ký 46.872 tỷ đồng, số lao động 95.217 người.

Sau một thời gian dài chống dịch, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự đồng lòng của doanh nghiệp và nhân dân, các ca nhiễm đã có xu hướng giảm, dịch bệnh đang dần được kiểm soát từng bước nới lỏng mức độ giãn cách từ Chỉ thị 16 về Chỉ thị 15, thiết lập “vùng xanh” thực hiện trạng thái bình thường mới, UBND tỉnhg đã ban hành Kế  hoạch số 76/KH-UBND ngày 31/8/2021 tổ chức trở lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đến nay có 19 doanh nghiệp được chấp thuận thực hiện phương án “03 tại chỗ” với tổng số lao động trên 5.000 người.

Tập trung hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, và Quyết định 23/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, kết quả đến ngày 09/10/2021: đã hỗ trợ cho 224.344 người, kinh phí trên 345 tỷ đồng, đạt 95,85% so với tổng số đối tượng được phê duyệt.

Hướng tới mục tiêu “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế” trong điều kiện “bình thường mới” được đặt ra. Đây là thời điểm doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc, với muôn vàn khó khăn đặt ra như thiếu vốn, thiếu hụt nguồn lao động, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải quyết tâm và có giải pháp thích ứng với hướng đi phù hợp, đây là yếu tố quyết định đến sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Trước những khó khăn, ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 tác động đến sản xuất, hoạt động của quý doanh nghiệp, trong thời gian tới Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai một số nội dung sau:

(1) Triển khai Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó có 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: (1) xây dựng và thống nhất phương án, điều kiện sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với tình hình dịch bệnh; (2) tập trung tháo gỡ triệt để ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, các bất cập trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; (3) tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nhất là nông sản; (4) hỗ trợ doanh nghiệp thu hút lao động quay trở lại làm việc.

(2) Tập trung triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: với mục đích góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thiếu hụt lao động. Đồng thời hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

(3) Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

(4) Phối hợp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án, nhất là các thủ tục đầu tư để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án một cách nhanh nhất,  hiệu quả nhất

Tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen cho 22 doanh nghiệp và 20 doanh nhân vượt khó, giai đoạn 2020 - 2021./.

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 1 028
  • Tất cả: 2493468