Quy định mới về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp
Ngày 26 tháng 5 năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 36/2021/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018; Nghị định số 121/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2020 và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2021; thay thế Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2015 và Thông tư số 59/2018/TT-BTC ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Bộ Tài chính.

Việc điều chỉnh vốn điều lệ tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp thành lập mới, căn cứ Đề án thành lập doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền quyết định và số vốn nhà nước thực cấp (đối với doanh nghiệp thành lập mới không có dự án đầu tư xây dựng), vốn nhà nước đã cấp theo quyết toán công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với doanh nghiệp thành lập mới trên cơ sở bàn giao dự án đầu tư xây dựng) để ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện đăng ký mức vốn điều lệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi thành lập bằng mức vốn thực tế đã cấp và đầu tư của nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp đang hoạt động, căn cứ phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản (kèm theo hồ sơ của doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt), đề nghị cơ quan tài chính thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp. Cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp theo từng nguồn vốn cụ thể, trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước), cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện cấp vốn từ ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; trường hợp cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện cấp từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện điều chỉnh lại mức vốn điều lệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bằng mức vốn thực tế đã đầu tư của chủ sở hữu theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2020 trở về trước phải thực hiện rà soát, xây dựng phương án xác định vốn điều lệ và nguồn đầu tư bổ sung vốn điều lệ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Việc điều chỉnh vốn điều lệ khi bổ sung vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ mức vốn và nguồn vốn sử dụng để đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có văn bản đề nghị cơ quan tài chính thực hiện bổ sung vốn nhà nước đầu tư vào công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Trường hợp đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên bằng nguồn NSNN, trên cơ sở đề nghị của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản gửi cơ quan tài chính, kế hoạch cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý NSNN và quy định của pháp luật về NSNN bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm (nội dung chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp). Cơ quan tài chính cùng cấp, căn cứ vào thời hạn góp vốn theo thông báo của công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên và văn bản đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu, thực hiện bổ sung vốn nhà nước cho công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo mức vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Trường hợp sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, Quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn và quỹ khác (nếu có) theo phần vốn nhà nước để đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên theo mức vốn đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp thực hiện ghi tăng vốn nhà nước sau khi có nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên. Đối với trường hợp cấp vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp bằng nguồn vốn NSNN, căn cứ vào phương án đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã được phê duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu có văn bản gửi cơ quan tài chính, kế hoạch cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý NSNN và quy định của pháp luật về NSNN bố trí trong dự toán chi NSNN hàng năm (nội dung chi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp). 

Việc quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định số 91/2015/NĐ-CP; khoản 6, 7, 8, 9, 10 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP; khoản 11, 12, 13 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP và các quy định tại Điều 4, Điều 5 Thông tư số 36/2021/TT-BTC. 

Đính kèm: Thông tư số 36/2021/TT-BTC ngày 26 tháng 5 năm 2021

Mộng Hường
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 1515
  • Trong tuần: 20 883
  • Tất cả: 2879356