Đặc điểm tự nhiên, kinh tế xã hội thị xã Duyên Hải

1. Điều kiện tự nhiên:

1.1 Vị trí địa lý:

Thị xã Duyên Hải được thành lập theo Nghị quyết số 934/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trà Cú, huyện Duyên Hải. Thị xã Duyên Hải về phía Nam của tỉnh Trà Vinh giữa cửa Cung Hầu và Kênh đào Trà Vinh. Phía Đông giáp với Biển Đông, phía Tây và Nam giáp với huyện Duyên Hải, phía Bắc giáp huyện Cầu Ngang. Thị xã có 07 đơn vị hành chính cấp xã (02 phường: Phường 1, Phường 2 và 05 xã: Long Toàn Long Hữu, Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa, Dân Thành).

Quốc lộ 53 chạy qua trung tâm thị xã và kết thúc tại xã Long Toàn. Ngoài ra, trên địa bàn còn có Quốc lộ 53B và Tỉnh lộ 914, Hương lộ 81 về đến trung tâm các xã; từ các xã có hệ thống đường nhựa, đường đal, đường sông, kênh rạch thông suốt đến một số ấp và thông ra biển đông - đây là điều kiện thuận tiện cho việc phát triễn kinh tế của huyện ở hiện tại và trong tương lai.

1.2. Địa hình:

Thị xã là đồng bằng ven biển nên địa hình tự nhiên Duyên Hải khá thấp, tương đối bằng phẳng và mang tính chất rất đặc thù với những giồng cát hình cánh cung chạy dài song song với bờ biển. Các giồng cát tập trung chủ yếu ở các xã phía Bắc và phía đông của thị xã như: Long Hữu, Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa và rải rác ven theo bờ biển. Bờ biển Duyên Hải có mỏ cát đen phong phú với hàm lượng titan lớn, đây được xem là nguyên liệu chính phục vụ cho ngành công nghiệp. Ngoài ra, Duyên Hải còn có mỏ nước khoáng nóng ở tại Phường 1 và xã Dân Thành được các nhà khoa học đánh giá là giàu khoáng chất và trữ lượng lớn thuận lợi cho ngành công nghiệp và dịch vụ. Song song đó, ở các xã ven biển như Trường Long Hòa, Hiệp Thạnh có một lượng nắng và gió quanh năm đây là tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng sạch.

1.3. Khí hậu:

Ảnh hưởng rõ rệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Một năm có hai mùa mưa nắng: Mùa mưa thường bắt đầu vào tháng 05 dương lịch; mùa nắng bắt đầu vào tháng 11 dương lịch. Hàng năm, cũng có ảnh hưởng của bão, nhưng tần suất thấp và mức độ nguy hiểm chưa đáng kể.

1.4. Thủy văn:

Chế độ thủy văn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ chế độ bán nhật triều biển Đông thông qua cửa sông Cổ Chiên và cửa biển Định An. Trong ngày có 2 lần nước lớn, nước ròng. Trong tháng có 2 lần triều cường (thường vào ngày mùng 1 và ngày 15 âm lịch) và 2 ngày triều kém (thường vào ngày mùng 7 và ngày 23 âm lịch).

1.5. Nguồn nước:

- Nguồn nước mặt: Phần lớn là nước mặn, nước ngọt chủ yếu được dẫn về từ kênh 3 tháng 2 giáp huyện Trà Cú để phục vụ sản xuất, còn lại là do nước mưa tích tụ trong ao đầm.

- Nguồn nước ngầm: Khá phong phú, độ sâu khai thác phổ biến từ 80-120 m, có thể gặp ở mọi nơi trong thị xã-đây là nguồn nước cung cấp chủ yếu cho sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn thị xã. 

2. Tài nguyên đất đai:

Tổng diện tích đất tự nhiên: 17.506,75 ha, trong đó:

- Đất sản xuất nông nghiệp: 2.493,61 ha.

- Đất lâm nghiệp: 1.872,27 ha.

- Đất nuôi trồng thủy sản: 9.382,05 ha.

- Đất chuyên dùng: 3.020,2 ha.

- Đất ở: 303,57 ha.

3. Nguồn nhân lực:

Dân số chung của toàn thị xã là 13.861 hộ, 48.210 nhân khẩu (trong đó: Có khoảng 222 hộ dân tộc khmer với nhân khẩu 767 người và 6 hộ dân tộc Hoa vơi nhân khẩu 20 người. Mật độ dân cư trung bình 275 người/km2. Phần đông dân cư tập trung ở khu vực nội thị, các giồng cát và ven trục đường giao thông chính. Tỷ lệ gia tăng dân số bình quân hàng năm là 1%, dân cư sống bằng nghề phi nông nghiệp chiếm trên 22,25%.

4. Đánh giá tiềm năng:

Hiện tại, trên địa bàn thị xã có các dự án lớn của Trung ương như Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Kênh đào Trà Vinh, Khu kinh tế Định An, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam đã và đang tiếp tục thi công, một số công trình đã hoàn thành  hòa lưới điện quốc gia và các công trình điện gió đang tiếp tục thực hiện là điều kiện thuận lợi đưa ngành công nghiệp của thị xã phát triển. Bên cạnh, với đường bờ biển dài trên 25km nên thị xã Duyên Hải có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Biển Ba Động và Thiền viện trúc lâm, Nhà máy điện gió, Bến tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam, Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Kênh đào Trà Vinh kết nối liên hoàn sẽ trở thành những điểm du lịch hấp dẫn đối với các du khách trong và ngoài tỉnh.

Với những tiềm năng lợi thế sẵn có, Đảng bộ và nhân dân thị xã Duyên Hải phấn đấu xây dựng thị xã Duyên Hải trở thành đô thị loại III vào năm 2025.

II. ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ - XÃ HỘI:

1. Tạo bước chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế, tính phù hợp về đất đai, lao động của địa phương, sản xuất gắn với thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, giá trị sản xuất tạo ra trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp tiếp tục tăng.[1]

+ Trồng trọt, chăn nuôi: Chú trọng chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; xác định phát triển mỗi xã, phường một sản phẩm chủ lực. Lĩnh vực trồng trọt tập trung phát triển 05 loại cây trồng chủ lực, gồm: dưa hấu, bí đỏ, đậu phộng, hành tím, ớt chỉ thiên; chăn nuôi tập trung phát triển 02 vật nuôi chủ lực: bò, dê, sản xuất theo hướng cung cấp con giống và sản phẩm thịt an toàn. Nâng giá trị sản xuất trồng trọt đạt 135 triệu đồng/ha năm 2019.

+ Thủy sản: Tập trung phát triển 04 đối tượng nuôi chủ lực: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ (nghêu, sò huyết, vọp); chuyển đổi 185,5ha từ nuôi tôm trong ao đất với hình thức bán thâm canh, thâm canh, công nghiệp sang nuôi tôm thâm canh trong ao lót bạt đạt giá trị và hiệu quả cao (doanh thu bình quân trên 250 triệu đồng/ha mặt nước, tăng 130 triệu đồng so với năm 2015; riêng hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao đạt 770 triệu/ha, tăng 520 triệu đồng/ha). Nghề nuôi cua, nghêu, sò huyết, vọp được mở rộng về quy mô và nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích[2] và giá trị sản xuất thủy sản. Ngư dân kịp thời đầu tư cải tạo, nâng cấp tàu thuyền, nhiều hộ khai thác có hiệu quả. Tổng sản lượng thủy sản 175.034 tấn, đạt 109% KH [3].

+ Xây dựng nông thôn mới: Trên cơ sở quán triệt quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ thị xã xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, đã đề ra các giải pháp thực hiện theo từng giai đoạn và hàng năm. Trong nhiệm kỳ, đã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị[4]; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất, xây dựng và bảo vệ cảnh quang, môi trường; giảm nghèo bền vững. Đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng hoàn thiện; ý thức của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới có sự chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao; bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Với kết quả đó, thị xã Duyên Hải được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018 (sớm hơn dự kiến 02 năm), Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

- Xây dựng kết cấu hạ tầng: Các công trình hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư[5], nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; các dự án trọng điểm tiếp tục được triển khai thi công và đưa vào sử dụng[6]. Các công trình lưới điện tiếp tục được nâng cấp, sửa chữa[7], phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 99,8%. Quan tâm đầu tư các công trình cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh ở đô thị đạt 99%, nông thôn 93%. Hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi thủy sản ở các khu quy hoạch tiếp tục được đầu tư và phát huy tác dụng, kịp thời cấp, thoát nước phục vụ sản xuất của người dân[8].

- Thương mại, dịch vụ và du lịch: Tiếp tục phát triển, giá trị tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của thị xã; số lượng hộ đăng ký kinh doanh tăng lên, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh tiếp tục đầu tư mới và nâng cấp, mở rộng , tập trung chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Nhằm phát huy lợi thế của địa phương về du lịch, Ban Thường vụ Thị ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề “về phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; từng bước sắp xếp lại các điểm phục vụ du lịch, thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng , khai thác có hiệu quả lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch biển.

2. Văn hóa - xã hội:

- Các hoạt động văn hóa của thị xã tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả quan trọng[9]; các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao có sự chuyển biến tích cực[10], các mô hình câu lạc bộ đờn ca tài tử, câu lạc bộ dưỡng sinh, nhóm thể dục rèn luyện sức khỏe,... thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, rèn luyện sức khỏe. Các hoạt động phát thanh, bưu điện, thư viện được cải thiện, góp phần thực hiện tốt hơn công tác tuyên truyền.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới; thực hiện tốt các nội dung Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam với mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”.

- Chú trọng chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng; hoạt động đền ơn đáp nghĩa được các ngành, các cấp triển khai thực hiện đạt hiệu quả thiết thực[11]; đời sống của gia đình chính sách được nâng cao; công nhận mới 01 liệt sỹ, 30 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng[12]. Thực hiện tốt chủ trương, chính sách bảo trợ xã hội, xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin[13],... góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thị xã[14].

3. Các di tích lịch sử trên địa bàn thị xã:

- Xã Trường Long Hòa: Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trường Long Hòa là căn cứ bảo vệ, nuôi dưỡng thực lực cách mạng cho huyện, cho tỉnh, cho Quân khu 8, Quân khu 9, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định; đồng thời, là Bến tiếp nhận vũ khí vô cùng quan trọng của các chuyến “tàu không số” huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, vùng ven biển Trà Vinh là một mắc xích quan trọng, hình thành nhiều bãi tiếp nhận như Láng Nước (Hiệp Thành), Cồn Tàu (Trường Long Hoà), Cồn Lợi (Long Vĩnh)…Trong gần 15 năm tồn tại của tuyến đường, các xã ven biển Trà Vinh đã tiếp nhận hơn 20 chuyến hàng, với hơn 1.500 tấn vũ khí, trang thiết bị chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Để đảm bảo bí mật và sự an toàn của tuyến đường, nhiều người con của quê hương Trà Vinh đã anh dũng nằm xuống. Cồn Tàu (ấp Cồn Tàu, xã Trường Long Hòa) nơi nhiều lần là bến tiếp nhận vũ khí, được chọn đại diện cho các bến bãi ven biển Trà Vinh để xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Ở đây, Bộ Tư lệnh Hải Quân và các cơ quan chức năng Trà Vinh đầu tư xây dựng nơi đây thành khu di tích với một số hạng mục như bia tưởng niệm, công viên…Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh Giồng Giếng hợp với khu du lịch Ba Động thành cụm văn hóa - du lịch liên hoàn vùng ven biển Trà Vinh. Xã có một cá nhân được Nhà nước tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân là liệt sĩ Huỳnh Thị Cẩm. Xã có 03 Di tích lịch sử cấp quốc gia và 03 Di tích lịch sử cấp tỉnh[15].

- Xã Long Hữu: Có Đình Hội Hữu tọa lạc tại ấp 14 và Miếu Cây Dương tọa lạc tại ấp 11, đều là căn cứ cách mạng trong kháng chiến. Đình miếu Hội Hữu (hay còn gọi là Đình Bào Cát) được xếp hạng di tích cấp tỉnh.

- Xã Hiệp Thạnh: Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân xã Hiệp Thạnh loại khỏi vòng chiến đấu 1.600 tên địch, thu hơn 600 súng các loại trang bị cho lực lượng vũ trang địa phương, bắn rơi 4 máy bay, bắn chìm 2 tàu chiến và 14 xà lan quân dụng. Hơn 30.000 lượt người dân tham gia 2.000 cuộc đấu tranh chính trị với địch. Chi bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Hiệp Thạnh vinh dự được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Thượng úy Hồ Đức Thắng, làm nhiệm vụ đặc biệt bí mật, vận chuyển vũ khí trên đường biển Bắc - Nam trong kháng chiến, người con của xã Hiệp Thạnh vinh dự được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân”.

- Xã Dân Thành: Xã Dân Thành được thành lập năm 1981 (tách ra từ xã Trường Long Hòa). Có Di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh tại ấp Giồng Giếng.

4. Các điểm du lịch trên địa bàn:

- Du lịch thị xã Duyên Hải đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với tiềm năng du lịch của địa phương.

- Thị xã Duyên Hải có trên 25 km bờ biển, có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, rừng ngập mặn và ao tôm trên một mặt phẳng, lại cách nhau trong bán kính 20km là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và các dịch vụ bổ trợ cho du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện như Quốc lộ 53, Quốc lô53B giúp cho khách du lịch đến với thị xã Duyên Hải được nhanh chóng và dễ dàng hơn, cùng với lợi thế về khí hậu tốt, ít gặp rủi ro do thời tiết và thiên tai nên có thể phát triển du lịch được tất cả các mùa trong năm. Thị xã Duyên Hải còn có mỏ nước khoáng nóng với nhiệt độ nóng 37,50C, rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng.

- Thị xã Duyên Hải có nhiều điểm du lịch khá nổi bật như:  Khu du lịch Biển Ba Động, Thiền Viện Trúc Lâm, Lầu Bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương; Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Nhà máy Điện gió, Điện năng lượng mặt trời, Nhà máy nhiệt điện đã và đang đưa vào khai thác, các di tích văn hóa,…đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan du lịch, hàng năm có trên 300.000 lượt khách đến tham quan.

- Kể từ thành lập thị xã Duyên Hải đến nay, bộ mặt đô thị Duyên Hải đã có những bước thay đáng kể, kinh tế nông nghiệp hướng theo chất lượng cao và chuỗi giá trị, kết hợp với tăng cường thương mại, dịch vụ, thu nhập người dân  được cải thiện rõ nét, 60 triệu đồng/người/năm (năm 2020), số hộ khá giàu không ngừng tăng lên, tỷ lệ nghèo hiện chỉ còn 1,09%. Đặc biệt, các công trình lớn của Trung ương đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện, mở ra triển vọng lớn trong tương lai cho thị xã Duyên Hải nói riêng, tỉnh Trà Vinh nói chung, tạo ra nhiều giá trị cho nền kinh tế, nâng cao vị thế, lợi thế so sánh và thu hút đầu tư: Trung tâm Điện lực Duyên Hải, Khu kinh tế Định An; Quốc lộ 53, Cụm công trình điện gió khi hòan thành và đưa vào vận hành đồng bộ sẽ là nền tảng và động lực giúp thị xã Duyên Hải phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành du lịch của địa phương xứng với vị thế và tiềm năng của đô thị ven biển tỉnh Trà Vinh.



[1]   Đạt 235 triệu đồng/ha đất nông nghiệp.

[2] Bình quân đạt từ 250 - 700 triệu đồng/ha đất nuôi thủy sản.

[3] Sản lượng nuôi trồng 127.821 tấn; khai thác  47.213 tấn.

[4] Tổng kinh phí 457 tỷ đồng; trong đó: cộng đồng dân cư đóng góp: 82 tỷ 356 triệu đồng; vốn doanh nghiệp: 10 tỷ 233 triệu đồng.

[5] Triển khai 92 công trình, với tổng vốn 841,8 tỷ đồng

[6] Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2, Duyên Hải 3 và 3 mở rộng; Cảng tổng hợp Định An; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, Quốc lộ 53B.

[7] Công trình cấp điện khu vực thị xã Duyên Hải năm 2016, số tiền 3.8 tỷ đồng; Dự án điện cho 20.000 hộ nghèo chưa có điện giai đoạn 3, số tiền 10,5 tỷ đồng; Dự án điện phục vụ nuôi thủy sản (DPL3), số tiền 39,4 tỷ đồng; Công trình cấp điện khu vực thị xã Duyên Hải năm 2017, số tiền 7,1 tỷ đồng.

[8] Đầu tư 16 công trình thủy lợi, cống thoát nước, tổng vốn 16,8 tỷ đồng, góp phần phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản.

[9] 37/37 ấp, khóm văn hóa, 5/5 xã được công nhận xã văn hóa; 2/2 phường văn minh đô thị; có 96% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.

[10] Tổ chức thành công đại hội thể dục thể thao cấp thị xã; tham gia các giải đấu do tỉnh tổ chức đạt 63 huy chương các loại.

[11] Hỗ trợ cất 737 căn nhà tình nghĩa (xây mới 622, sửa chữa 115).

[12] Có 273 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn 10 Bà mẹ còn sống được các cơ quan đơn vị phụng dưỡng suốt đời.

[13] Có 854 đối tượng hưởng bảo trợ hàng tháng; hỗ trợ 65 hộ có nhà bị cháy, lốc xoáy, với số tiền 884 triệu đồng.

[14] Đã vận động cấp phát quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn với số tiền 5,3 tỷ đồng.

[15] Di tích lịch sữ cấp quốc gia có: Lăng Ông Cồn Tàu, Đình Miễu Cồn Trứng, Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu; Di tích lịch sử cấp tỉnh có: Lầu Bà Ba Động, Căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh, Căn cứ ngành Công an Trà Vinh

saoy-bao%20cao%20so%20331%20ngay%2016-10-2020.pdf

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH








Thống kê truy cập
  • Đang online: 34
  • Hôm nay: 1151
  • Trong tuần: 30 250
  • Tất cả: 5312474
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Duyên Hải. Địa chỉ: số 14, đường 3 tháng 2, khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Trưởng Ban biên tập: Bà Cao Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Phó Trưởng Ban thường trực: Ông Lê Trường Phong - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3832012. Email:phongvh.txduyenhai@travinh.gov.vn.
Ghi rõ nguồn "txdh.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang