Duyên Hải kiên trung
Lượt xem: 4578
Huyện Duyên Hải (Trà Vinh) như một ốc đảo nằm giữa hai nhánh sông Cửu Long đổ ra biển Đông Thái Bình Dương. Vì địa thế như vậy, thuở chiến tranh, Duyên Hải trở thành một pháo đài án ngữ cửa ngõ phía biển của Trà Vinh, bảo vệ mạn sườn quân sự của trận địa toàn vùng ĐBSCL. Giữa thế kỷ 19, nghĩa quân Trương Định, Thủ Khoa Huân và những người không chịu khuất phục chính quyền thuộc địa Pháp ở các nơi đã chọn nơi đây làm nơi trú ẩn chờ thời cơ kháng chiến. Suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vùng đất này mỗi ngày ghi dấu một chiến công. Mỗi người là một đội quân, mỗi tấc đất là một ụ súng chống quân địch.

“Hình dáng quê tôi như con tàu
Căng buồm lộng gió dưới trời cao
Khoan thai cỡi sóng chào biển cả
Dào dạt trong lòng những khát khao”
(Thơ: Trần Điền)


Khi đất nước thống nhất, Duyên Hải chỉ có con người và những con số không. Tài sản của toàn huyện cộng lại không bằng giá trị một chiếc xe hơi.

* MỖI NGƯỜI DÂN ĐỘI MỘT TẤN BOM THÙ
Sau khi Trương Định mất, lãnh binh Trần Đề tập họp nghĩa quân kéo về vùng Duyên Hải lập căn cứ chiến đấu lâu dài. Tại đây, nghĩa quân Trần Đề được nhân dân ủng hộ hết lòng. Nhiều trận đánh ác liệt giữa nghĩa quân Trần Đề và quân Pháp đã diễn ra hàng tháng, hàng năm và phần thắng luôn nghiêng về phía nghĩa quân Trần Đề. Giữa lúc lực lượng nghĩa quân đang mạnh, quân địch đã hèn hạ bắt phu nhân Trần Đề lúc bà đang mang thai để gây áp lực tinh thần buộc ông phải ra nộp mình đầu hàng. Trần Đề bị giặc chém đầu khiến lòng câm thù quân xâm lược trong nhân dân càng lên cao. Chính nhờ tiết nghĩa của Trần Đề đã khiến Tán lý Lê Văn Quân, Đề đốc Triều và Đốc Binh Say nổi dậy khởi nghĩa chống Pháp vào năm 1868. 4 năm sau, nông dân Nguyễn Xuân Phụng và Đoàn Công Bữu lại tiếp tục đứng lên kháng chiến. Tuy những cuộc kháng chiến bản địa bị cô lập, dập tắt nhưng ngọn lửa bất khuất vẫn âm ỉ cháy trong lòng nhân dân địa phương. Nhờ vậy, phong trào Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội Nam Kỳ vừa khởi xướng đã lan ngay đến tận miền Duyên Hải xa xôi.

Từ những năm 1933, vùng đất Duyên Hải đã có Chi bộ Đảng và nhanh chóng xây dựng đội ngũ vững mạnh. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình của quần chúng do Đảng lãnh đạo đã làm đau đầu Chủ tỉnh Pháp lúc bấy giờ. Ông Dương Văn Phúc - Bí thư huyện Uỷ Cầu Ngang (Duyên Hải được tách ra từ huyện Cầu Ngang) là Uỷ viên Xứ Uỷ Nam Kỳ. Nhờ vậy, phong trào kháng chiến tại địa phương luôn được Đảng chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình Nam Kỳ. Ngày 15/08/1945, Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì ngày 26/08/2045 tại Duyên Hải cuộc khởi nghĩa diễn ra thắng lợi. Ngày 27/08/1945, toàn khu vực Cầu Ngang đã hoàn toàn thuộc về chính quyền cách mạng và trở thành một địa phận hành chính của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà do Đảng Cộng Sản cầm quyền. Từ đó, đất trời Cầu Ngang cũng như Duyên Hải thuộc về chính quyền cách mạng cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.
Về mặt quân sự, địch từng tuyên bố: Duyên Hải là cánh cung của toàn vùng ven biển Vùng Bốn chiến thuật, chiếm được Duyên Hải là làm chủ được chiến trận miền Tây Nam bộ. Vì vậy, địch đã dùng hàng trăm ngàn thủ đoạn quân sự, chính trị để thực hiện ước mơ làm chủ vùng đất này. Ngay từ thời “Đệ nhất Cộng hoà” địch đã mở nhiều cuộc tấn công quy mô bằng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ để “xoá sạch dấu chân Việt Cộng”. Hàng trăm lần xây dựng đồn, bót, mật khu, ấp chiến luợc là hàng trăm lần thất bại thảm hại. Hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ của quân, dân Duyên Hải đã biến ước mơ làm chủ lãnh địa Duyên Hải của địch trở thành ác mộng.

Duyên Hải vẫn là vùng đất bất khả xâm phạm. Đất Duyên Hải vẫn là căn cứ Tỉnh Uỷ Vĩnh Trà (Trà Vinh và Vĩnh Long), là nơi khai sinh lực lượng quân sự chính quy tỉnh, là nơi tạm lắng quân của các đơn vị Bến Tre, Sóc Trăng, là nơi chuyển quân chiến lược của lực lượng quân sự QK 8, QK 9, là nơi chuyển tiếp vũ khí viện trợ từ Bắc vào Nam của những đoàn tàu không số. Rất nhiều những người con kiên trung bám đất, giữ làng đã hiên ngang nằm trước đầu xe tăng địch hoặc một mình chiến đấu với cả đại đội địch.

Chị Huỳnh Thị Cẩm đang để tang chồng (là liệt sỹ vừa hy sinh chưa tròn 100 ngày), bồng con dẫn đầu đoàn biểu tình hàng trăm người đi đấu tranh. Bị địch bắn đàn áp, chị lấy khăn rằn quấn vết thương tiếp tục bồng con tiến tới cho đến lúc kiệt sức chết. Nhiều gương chiến đấu dũng cảm của lực lượng du kích, dân quân đã tạc dạ khắc sâu vào lòng dân Duyên Hải không thể kể hết.

Suốt 2 thời kỳ kháng chiến Duyên Hải được tổ quốc tặng thưởng 4.914 Huân, Huy chương các loại. 3 cá nhân được tặng danh hiệu AHLLVT; Đảng bộ, nhân dân huyện và 100 % các xã được nhận danh hiệu AH; 130 Mẹ VNAH; 2.354 liệt sỹ và 1.207 TB. Nếu tính bình quân dân số thì mỗi người dân Duyên Hải “nhận” ít nhất 1 tấn bom của địch.

* XÂY DỰNG TỪ CON SỐ KHÔNG

Anh Nguyễn Trung Hiệp – Phó phòng Nội vụ LĐ-TB&XH huyện Duyên Hải dẫn chúng tôi đi tham quan một số nơi trong huyện. Anh cho biết: “Do hoàn cảnh kinh tế, xã hội của địa phương, huyện Duyên Hải được nhập, tách 3 lần với huyện Cầu Ngang. Lần cuối cùng tách ra và tái lập huyện Duyên Hải vào năm 1981. Khi ấy, Duyên Hải chẳng có gì ngoài ý chí vượt nghèo của con người…”.

Cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ kéo dài 45 năm (1930 – 1975) đã biến đất vùng này trở thành đất chết, chi chít hố bom, đạn. Đến ngọn cỏ cũng mang vết thương chiến tranh, xơ xác. Niềm vui chiến thắng chưa nguôi nụ cười, người dân đã phải đối đầu với nạn thiếu đói, nghèo khổ. Không đường, không trường, không trạm, người dân sống giữa ốc đảo hoang sơ. Cố gắng hết mức, tỉnh cũng chỉ chi viện xây dựng được 1 bệnh viện nhỏ và 1 xí nghiệp đông lạnh hải sản. Nhiều người dân chạy trốn vùng đất khó khổ ra thị thành hưởng không khí độc lập. Những người ở lại bám đất, trần thân với nắng trời, gió biển và cảnh nghèo.

Ông Trần Phi Dương – Phó ban Tuyên giáo huyện bồi hồi nhớ lại chuyện xưa: “Mỗi lần đi họp ở tỉnh (lúc ấy Duyên Hải thuộc tỉnh Vĩnh Long) phải đi trước một ngày. Từ đây ra Vĩnh Long mất trọn một ngày đường đất toàn ổ voi, ổ gà, qua 2 chuyến đò ngang”. Ông Dương là dân thị xã Vĩnh Long, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm được tăng viện cho Duyên Hải. Ông là lứa trí thức đầu tiên và còn trụ lại được nơi vùng đất nghèo này. Việc đầu tiên của ông là xây dựng trường Bổ túc Văn hoá cho cán bộ huyện. Nhờ phong trào xoá mù chữ trong kháng chiến, lực lượng cán bộ huyện chưa đến nỗi mù chữ nhưng trình độ văn hoá toàn huyện chỉ đến lớp 6, lớp 7 được xem là “trí thức”. Thầy cô giáo thì mỗi năm lĩnh lương 3 lần, vì vậy, ban ngày đến lớp làm thầy, ban đêm, thầy cô tủa ra mép biển mò cua bắt ốc kiếm sống. Toàn huyện lúc ấy chỉ có 1 chiếc ti vi trắng đen của bệnh viện là phương tiện giải trí duy nhất. Mỗi đêm, cán bộ, nhân dân đến bệnh viện xem ti vi hàng trăm người ngồi xếp lớp như xem chiếu bóng. Điện thì xài ké với máy phát điện của xí nghiệp đông lạnh, phát từ 9 giờ đến 23 giờ. Khắp huyện không có lấy một ngôi nhà kiên cố, toàn nhà lá.

Cái nghèo, cái đói ám ảnh người dân khiến lãnh đạo huyện cứ phải chạy ra tỉnh kêu cứu xin chi viện. Cái nghĩa, cái tình thuở kháng chiến quá lớn, Chính quyền tỉnh không quên nhưng không biết làm sao cứu Duyên Hải thoát nghèo. Viện trợ cứu đói thì được nhưng cứu nghèo lại là bài toán khác. Lãnh đạo Huyện uỷ đành bàn với nhau: “45 năm kháng chiến kiên cường trong bom cày đạn xới vẫn sống được thì bây giờ sống được”. Thế là huyện ra nghị quyết “tiến công xoá nghèo bằng chính nổ lực của mình”.

Lúc ấy, huyện phát hiện mô hình nuôi tôm sú của trại cải tạo đạt hiệu quả kinh tế cao, liền triển khai vận động nhân dân tận dụng xâm mặn nuôi tôm sú đại trà. Chỉ sau 2 vụ tôm, mặt bằng đời sống thay đổi rõ rệt. Lúc ấy là thời điểm năm 1992. Tuy chưa thoát nghèo nhưng cảnh đói do thiếu việc làm đã giảm đáng kể. Tại Nghị quyết Đại hội huyện Đảng bộ lần thứ 7 đã nhấn mạnh việc phát huy lợi thế tiềm năng kinh tế vùng ven biển và biển đã thành một phát pháo tiến công xoá nghèo của huyện. Đến năm 2000, Duyên Hải thực sự trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh Trà vinh. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 14%, vượt 2% so với chỉ tiêu đề ra. Chỉ riêng giá trị thuỷ sản năm đó đã đạt mức thu 460 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản nhỏ lẻ đã nhanh chóng đạt hơn 12.000 ha mặt nước, chiếm hơn một phần ba tổng diện tích tự nhiên. Việc nuôi trồng thuỷ sản đã kéo kiến thức khoa học về địa phương. Nhiều cơ sở nuôi cấy tôm giống và thức ăn thuỷ sản ra đời. 94 trại sản xuất và 98 trại dưỡng con giống ra đời. Nhiều nhà giàu mới xuất thân từ bần cố nông địa phương bắt đầu nỗi tiếng cả tỉnh. Song song đó, tận dụng địa thế ven biển gần 2000 hộ khai thác thuỷ sản trên mặt biển thu hoạch hàng năm gần 3000 tấn tôm cá. Về kinh tế nông nghiệp không được xem là mũi nhọn cũng đạt hơn 7.400 ha gieo trồng tạo lợi nhuận trung bình 50 triệu đồng/ ha. Đàn gia súc luôn đạt mức bình quân 40.000 con. Có hơn 1500 hộ được công nhận mô hinh kinh tế trang trại. Đường nhựa trãi suốt đến tận 9 xã, thị trấn trong huyện.

Chúng tôi ghé thăm trường Trung học phổ thông huyện. Chị Từ Thị Được – Hiệu phó – là lứa giáo viên tình nguyện từ Vĩnh Long về Duyên Hải trong đợt thứ hai năm 1982 bám trụ cùng quê hương cho đến nay, cười tươi, khoe: “Trường chúng tôi đang được đầu tư để năm sau đạt chuẩn quốc gia về giáo dục”. Chị nhắc về cái thời kham khổ bằng câu cách điệu thời gian: “Chỉ 10 năm thôi, cuộc sống thay đổi một trời một vực. Cách nay 10 năm thôi, không ai dám nghĩ hôm nay cuộc sống nơi đây như thế này”. Bây giờ, toàn huyện có 457 phòng học, 972 giáo viên, trong đó có 846 giáo viên đạt chuẩn. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp 3 hàng năm đạt trung bình từ 81% đến 98 %. Trong đó có 90% được đào tạo nghề phổ thông như: Điện gia dụng, may, thêu và làm vườn. Hàng ngàn cử nhân gốc Duyên Hải đang sinh sống và làm việc khắp nơi. Chúng tôi gặp em Tôn Thanh Tùng và em Nguyễn Tiến Đạt là hai trong số 17 học sinh xuất sắc khối 12 của trường. Hai em hoàn toàn không nhớ gì về ký ức nghèo khó của gia đình, quê hương. Bởi hai em đang thụ hưởng thành quả của những người thuộc thế hệ trước. Một em ước thành giáo viên, một em ước thành cán bộ du lịch trở về ngay chính quê hương Duyên Hải phục vụ.

Chúng tôi đi tham quan biển Ba Động đang quy hoạch thành bãi tắm “Vũng Tàu 2 của ĐBSCL”, thăm ngôi chợ trung tâm huyện. Những dãy nhà 2, 3 tầng lầu mọc san sát vào nhau đã xoá sạch dấu những hố bom sâu hoắm, xoá sạch những thửa đất hoang hóa, cằn cỏi. Một chị bán bún nước lèo thịt heo quay nơi đầu chợ đon đả mời chúng tôi bằng giọng rặt Duyên Hải: Về Trà vinh cháp bún nước lèo/ Mai về thành phố, mùi nước lèo còn thơm…râu”.

Gần 200 km đường về, tôi không nhớ mùi nước lèo mà cứ nhớ mãi, suy nghĩ mãi chuyện ông Ba Ngờ - Một nông dân không cầm súng ở Duyên Hải. Thời điểm 1951, là nông dân rặt, ông không tham gia cầm súng chiến đấu cũng không hợp tác với quân xâm lược. Khi lực lượng quân sự của địch đến bắt ông đi làm phu cu li xây lũy chiến đấu cho chúng, ông từ chối và vẫn điềm nhiên ngồi vót đòn gánh. Khi một tên lính hung hăng chửi thề, ông lẳng lặng chém vạt một mảng da đầu hắn khiến cả bọn hoảng sợ không dám bắt ông đi làm phu nữa. Cái khí tiết ngoan cường của ông Ba Ngờ là khí tiết điển hình của người dân Duyên Hải trước họa xâm lăng. Đó là yếu tố tạo nên một Duyên Hải AH trong chiến đấu, kiên cường trong xây dựng kinh tế./.


 Ký: Nông Huyền Sơn

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH








Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 5374
  • Trong tuần: 42 521
  • Tất cả: 5359227
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Duyên Hải. Địa chỉ: số 14, đường 3 tháng 2, khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Trưởng Ban biên tập: Bà Cao Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Phó Trưởng Ban thường trực: Ông Lê Trường Phong - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3832012. Email:phongvh.txduyenhai@travinh.gov.vn.
Ghi rõ nguồn "txdh.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang