UBND huyện trao thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng sản phẩm OCOP
Theo đó, Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định 8 nội dung, mức chi cụ thể:
1. Chi hỗ trợ xây dựng Đề án, Kế hoạch cấp tỉnh, huyện; hỗ trợ tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm bao gồm chi hỗ trợ điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu sản phẩm, thuê chuyên gia tư vấn xây dựng đề án, kế hoạch, xây dựng câu chuyện sản phẩm.
2. Chi hỗ trợ tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
3. Chi hỗ trợ xây dựng bộ công cụ hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP; tài liệu hướng dẫn, tập huấn, đào tạo cán bộ thực hiện Chương trình OCOP các cấp, cá nhân tham gia chu trình OCOP; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói.
4. Chi hỗ trợ tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP.
5. Chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên thực tế (hỗ trợ biển hiệu, quầy kệ, một số trang thiết bị để phục vụ trưng bày và bán sản phẩm OCOP,...). Mức hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng kinh phí xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP. Mức hỗ trợ tối đa không quá 35 triệu đồng/nhãn hiệu.
7. Chi hỗ trợ chi phí bao bì, in tem. Mức hỗ trợ thực hiện theo hóa đơn thực tế và quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền.
8. Chi tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, bao gồm: Chi thuê chuyên gia, vận chuyển và bảo quản sản phẩm dự thi; Chi phí tổ chức thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Chi giải thưởng cho các sản phẩm đạt sao. Mức chi các giải thưởng đạt 5 sao, 4 sao, 3 sao tương ứng số tiền 12 triệu đồng, 8 triệu đồng, 6,4 triệu đồng.
* Về phía tỉnh Trà Vinh cũng có Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, với 04 nội dung và mức chi cụ thể:
1. Hỗ trợ 100% kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm và xây dựng câu chuyện sản phẩm nhưng không quá 10 triệu đồng/sản phẩm.
2. Hỗ trợ kinh phí thuê hoặc xây dựng mới cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP diện tích tối thiểu 20m2/cửa hàng, mức hỗ trợ: 50 triệu đồng/cửa hàng.
3. Hỗ trợ cơ sở có sản phẩm OCOP được nâng cao: Sản phẩm từ 3 sao được nâng lên đạt 4 sao hỗ trợ 5 triệu đồng/sản phẩm; Sản phẩm từ 3 sao hoặc 3 sao được nâng lên đạt 5 sao hoặc đạt 5 sao ngay từ lần xét duyệt đầu tiên thì được hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm.
4. Hỗ trợ 50% kinh phí mua máy móc và trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cho cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm đạt OCOP, nhưng không quá 300 triệu đồng đồng/cơ sở.
Với những chính sách hỗ trợ, phát triển sản phẩm OCOP là động lực thúc đẩy các chủ thể tham gia Chương trình OCOP, góp phần bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn; khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, một trong những khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới./.
Chí Luyện
Phòng Nông nghiệp và PTNT