Theo đó, kế hoạch định hướng phát triển du lịch 4 tiểu vùng. Tiểu vùng 1: Bao gồm thị trấn Càng Long và các xã Nhị Long, Nhị Long Phú, Đức Mỹ với diện tích 6.177,85 ha; Tài nguyên du lịch nổi bật của Tiểu vùng 1 là sông Cổ Chiên, Cái Hóp - An Trường; nhà vườn, ao - hồ, đồng lác, di tích lịch sử - cách mạng và kiến trúc tôn giáo; với điều kiện hiện có, Tiểu vùng 1 phù hợp để phát triển các loại hình du lịch trên sông, nông nghiệp, văn hóa, lịch sử và cách mạng; dịch vụ ăn, nghỉ, trung tâm mua sắm và bán hàng OCOP. Tiểu vùng 2: Bao gồm các xã Đại Phúc, Đại Phước, Phương Thạnh, Bình Phú với diện tích 7.927,42 ha; Tài nguyên du lịch của Tiểu vùng 2 là sông Cổ Chiên và cụm sông Ba Trường - Ba Si - Láng Thé; nhà vườn, đồng ruộng, di tích lịch sử và tôn giáo, nhất là các chùa Khmer; với điều kiện hiện có, Tiểu vùng 2 phù hợp để phát triển du lịch trên sông, du lịch nông nghiệp, văn hóa, thể thao dưới nước, lưu trú trong nhà vườn, trang trại và các trạm dừng - nghỉ. Tiểu vùng 3: Bao gồm các xã Mỹ Cẩm, An Trường A, An Trường với diện tích 7.014,91 ha; Tài nguyên du lịch của Tiểu vùng 3 gồm đoạn thượng lưu của sông Cái Hóp - An Trường; đồng ruộng, cơ sở nuôi ong mật, chim yến; vườn trái cây; di tích lịch sử - cách mạng và tôn giáo; với điều kiện hiện có, Tiểu vùng 3 phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp, văn hóa, lịch sử; các điểm nghỉ dưỡng nhỏ ven sông và cộng đồng. Tiểu vùng 4: Bao gồm các xã Huyền Hội, Tân An, Tân Bình với diện tích 8.269,05 ha; Tài nguyên du lịch của Tiểu vùng 4 là đồng ruộng, nhà vườn, di tích lịch sử - cách mạng và tôn giáo; sông (kênh) Trà Ngoa; với điều kiện hiện có, Tiểu vùng 4 phù hợp để phát triển du lịch nông nghiệp, cộng đồng, văn hóa và xe đạp.

Khách tham quan chụp ảnh lưu niệm tại điểm du lịch Cồn Hô
Tập trung đầu tư và thực hiện lồng ghép các dự án xây dựng và nâng cấp kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch với khoản 738,5 tỷ đồng, trong đó xã hội hoá khoản 638,6 triệu đồng. Trước mắt xây dựng và đề nghị tỉnh công nhận điểm du lịch sinh thái tự thân Cồn Hô, xã Đức Mỹ.
Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tế, tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững, hiệu quả; Đặc biệt là Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025.
Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch, như: du lịch tham quan các khu di tích lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch thông qua các sự kiện lễ hội, văn hóa ẩm thực ... nhằm đa dạng hóa sự lựa chọn và đáp ứng yêu cầu khách du lịch trong nước và ngoài nước. Đặc biệt phát triển lợi thế đua ghe Ngo thành sản phẩm phẩm Team building, ghe Ngo thể thao và ghe Ngo gắn động cơ điện chở khách du lịch.
Ứng dụng mạnh mẽ và khai thác tốt công nghệ thông tin để tuyên truyền, quảng bá du lịch. Quan tâm quản bá trên các trang thông tin điện tử của địa phương và các mạng xã hội, như: Fanpage Facebook, Youtube, Twitter, Instagram,... Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình liên kết, hợp tác, kết nối tour du lịch trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh thực hiện chiến lược tiếp thị điểm đến gắn liền với slogan “Càng Long - Huyền thoại đua ghe Ngo”.
Huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phấn đấu đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng của huyện, có tỷ trọng, tốc độ, chất lượng tăng trưởng cao, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện./.
Minh Hiếu