Chuyển biến trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Cầu Kè

         Trong những năm qua với sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, của Chính quyền địa phương cùng với sự nổ lực phấn đấu vươn lên của từng hộ dân, nhờ đó đến nay đời sống vật chất tinh thần của người dân nói chung và người dân đồng bào dân tộc Khmer ở các phum sóc trên địa bàn huyện Cầu Kè nói riêng không ngừng được cải thiện nâng lên rõ nét, diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc.

 

Khách du lịch giao lưu với đội văn nghệ của đồng bào dân tộc Khmer ở xã Hòa Ân

      Cầu Kè là một trong những huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh, chiếm hơn 32% so với dân số chung của huyện, sinh sống tập trung ở các xã: Hòa Ân, Hòa Tân, Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh, Thông Hòa, Tam Ngãi và thị trấn Cầu Kè, đa phần đồng bào sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Để triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc, trong thời gian qua các cấp ủy Đảng, Chính quyền trên địa bàn huyện đã triển khai, quán triệt tốt các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, Kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy Trà Vinh về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Đặc biệt là đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, trợ giá, trợ cước, nước sạch, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, từ đó đời sống người dân trong vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện ngày một khởi sắc, chất lượng cuộc sống được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 65 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm còn 1,32%, có trên 99% hộ sử dụng điện và nước hợp vệ sinh. Anh Lý Sô Phia, ở ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền chia sẻ: “Hồi trước gia đình cũng khó khăn, nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn trồng trọt, chăn nuôi, bây giờ gia đình thoát nghèo, dành dụm được một số tiền cất nhà. Năm nay ăn Tết Chôl Chnăm Thmây sun túc hơn mọi năm”.

 

Anh Lý Sô Phia (người ngồi ngoài bên trái), ở ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn sản xuất

        Bên cạnh việc triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc Khmer như về nhà ở, đất ở, vốn chuyển đổi ngành nghề, trợ giá, trợ cước thì việc tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đặc biệt xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thoát nghèo bền vững cho người dân nên trong thời gian qua các ngành, địa phương trên địa bàn huyện Cầu Kè đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cho những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động được tiếp cận các nguồn vốn vay, thị trường lao động phù hợp với năng lực, sở trường, qua đó đã mạnh dạn đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. Tính từ đầu nhiệm kì 2020-2025 đến nay toàn huyện Cầu Kè đã đưa gần 350 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, trong đó có trên 150 lao động là người dân tộc Khmer, từ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững và vươn lên khá, giàu ở địa phương. Chị Sơn Thị Thanh Nga, ở ấp Đồng Khoen, xã Phong Phú có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn nhờ có đứa con đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản chia sẻ: “Khi học xong lớp 12 con tôi đăng ký đi Nhật, lúc đầu cũng hơi lo, sau thấy con kiên quyết nên cũng cho đi. Qua Nhật Bản làm bên lĩnh vực nông nghiệp, chỗ ở, chỗ làm cũng ổn định, tiền lương tháng cũng 20 mấy triệu chưa tính tiền tăng ca, tôi cũng mong sau này nó đi làm học hỏi kinh nghiệm để về áp dụng cho địa phương mình”.

    Bên cạnh đó, để phát triển toàn diện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua huyện Cầu Kè còn đặc biệt quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân. Đây cũng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Ông Sơn Bãy, ở ấp 3, xã Phong Phú phấn khởi nói: “Năm nay đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi rất phấn khởi do Đảng, Nhà nước ta quan tâm xây dựng điện, đường, trường, trạm đầy đủ, sau đó mở rộng những tuyến đường đã xuống cấp nâng cấp lên. Năm nay bà con thu hoạch lúa trúng mùa, bán cũng được giá nên đón Tết Chol Chnam Thmay năm nay bà con rất phấn khởi, vui mừng”.

 

Quang cảnh tăng sinh và học sinh theo học lớp dạy chữ Khmer

          Sự nghiệp giáo dục - đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được quan tâm đầu tư. Trọng tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện; mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học ở các trường được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nâng cao dân trí trong đồng bào dân tộc. Các xã trong vùng có đông đồng bào dân tộc đều có điểm trường ở các cấp học và huyện có 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS, việc dạy và học chữ Khmer được duy trì và phát triển. Hàng năm tại cá các điểm chùa Nam Tông tổ chức mở các lớp phật học, thu hút trên 2.800 tăng sinh và học sinh là con em đồng bào dân tộc Khmer theo học, có gần 110 giáo viên là các vị sư, Achar đảm nhận giảng dạy và được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách gần 700 triệu đồng mỗi năm. Mặc khác, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân được quan tâm thực hiện tốt, hiện toàn huyện 100% xã có đông đồng bào dân tộc đều đạt chuẩn quốc gia về y tế.

 

Đồng bào dân tộc tham gia Hội thi tiếng hát dân tộc Khmer năm 2022

       Cùng với sự hỗ trợ phát triển kinh tế, trong những năm qua huyện Cầu Kè còn quan tâm đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Khmer. Toàn huyện có 2 ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh là chùa Tà Ốt và chùa Ô Mịch, xã Châu Điền; có 22 đội nhạc ngũ âm, 07 đội trống Chhây dăm, 01 đội văn nghệ; 01 đội bóng đá, 12 đội bóng chuyền, 01 đội ghe Ngo. Riêng đội ghe Ngo của huyện tham gia thi đấu tại các giải do tỉnh tổ chức đều đạt thành tích cao, đặc biệt tại giải đua ghe Ngo tỉnh Trà Vinh mở rộng nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao thuộc Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn Lễ hội Ok – Om - Bok tỉnh Trà Vinh năm 2022 đội ghe Ngo của huyện đã xuất sắc mang về cả 03 giải nhất ở từng cự ly thi đấu 600m, 800m nam, 700m nam nữ phối hợp và. Bên cạnh đó, các lễ hội, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển, từ đó các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được đông đảo bà con đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện hưởng ứng tích cực, mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc được giữ vững. Song song đó, trong những năm qua bên cạnh thực hiện tốt công tác Phật sự, Hội đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè đã làm tốt công tác nhân đạo từ thiện xã hội, trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 đã vận động trong bà con phật tử, các tổ chức, cá nhân từ thiện trong và ngoài huyện đóng góp tiền và hiện vật với tổng trị giá trên 5,6 tỷ đồng, qua đó đã giúp cho huyện triển khai xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội cũng như thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Với những nỗ lực của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và sự chung tay góp sức của người dân, đến nay có 100% xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu và huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019 và phấn đấu về đích huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023.

 

Lãnh đạo tỉnh, huyện chụp ảnh lưu niệm với quí vị sư tại buổi họp mặt mừng Tết Chol Chnam Thmay năm 2023

        Song song đó, hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc từng bước được củng cố; hiệu lực quản lý, năng lực điều hành ngày càng được nâng lên. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức và công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc Khmer luôn được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp quan tâm. Hiện toàn huyện có 912 đảng viên, 430 cán bộ, công chức là người dân tộc và 39 người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc. Nói về công tác chăm lo phát triển trong vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện trong thời gian quan, ông Diêu Hùng Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè cho biết: “Hàng năm Huyện ủy, UBND huyện xác định nhiệm vụ chăm lo phát triển trong vùng đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó chúng tôi đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến tay người dân tộc, nhất là các chính sách hỗ trợ về đất ở, nhà ở, nước sạch, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, trợ giá, trợ cước, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, làm sao tạo điều kiện cho bà con đồng bào dân tộc Khmer, đặc biệt là đối với hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tranh thủ huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc, tạo nền tảng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Chúng tôi cũng quan tâm đến công tác bảo tồn, duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tôn giáo nói chung, trong đồng bào dân tộc Khmer nói riêng hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng theo khuôn khổ qui định của pháp luật. Một vấn đề nữa là HU-UBND huyện cũng đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ người dân tộc Khmer, hàng năm cũng như trong nhiệm kì thì chúng tôi cũng đã lựa chọn những cán bộ người dân tộc có trình độ, đạo đức, năng lực đưa vào diện quy hoạch, rồi đưa đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để làm sao đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới”.

        Có thể nói, từ sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước cũng như của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương và sự phấn đấu nổ lực vươn lên của đồng bào dân tộc Khmer, tin chắc rằng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Cầu Kè sẽ được đổi thay từng ngày, qua đó tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, nổ lực cùng với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong huyện vượt qua mọi khó khăn để xây dựng thành công huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kì 2020-2025 đã đề ra./.

                                                           Bài, ảnh: Tấn Lập

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 2374
  • Trong tuần: 24 799
  • Tất cả: 4198930
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.