Cầu Kè chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, triều cường, hạn hán và xâm nhập mặn

Trong tình hình thời tiết thay đổi liên tục, một số loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi có nhiều diễn biến phức tạp. Theo nhận định của các ngành chuyên môn, dịch bệnh gia súc, gia cầm đặc biệt là dịch cúm gia cầm, bệnh LMLM trên gia súc, bệnh tai xanh trên heo thường xảy ra và lan rộng trong mùa Đông vì thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển, lại trùng với thời gian tết Nguyên đán, sự vận chuyển và buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm gia tăng, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh tồn tại và phát tán. Mặt khác, hiện nay trên đồng có nhiều trà lúa đan xen nhau, tình hình rầy nâu, bệnh cháy lá đang diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng. Tình hình xâm nhập mặn, hạn hán có thể ảnh hưởng đến diện tích lúa Đông xuân.

Do đó, để chủ động đối phó, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và động vật thủy sản, phòng tránh tác hại của hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường trên địa bàn huyện trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện vừa ban hành văn bản yêu cầu Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và động vật thủy sản huyện; BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện), Giám đốc Xí nghiệp thuỷ nông, thủ trưởng ban ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường tập trung chỉ đạo một số công việc trọng tâm sau:

1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền.

Thường trực BCĐ phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và động vật thủy sản huyện phối kết hợp với các ngành đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc và Đài Truyền thanh huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phổ biến kiến thức cho mọi người hiểu biết về sự nguy hiểm, tác hại của bệnh cúm gia cầm, bệnh LMLM gia súc và bệnh tai xanh heo, dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá và bệnh cháy lá (đạo ôn) trên lúa; bệnh chổi rồng trên nhãn, bệnh vàng lá trên cây có múi, các biện pháp phòng chống triều cường, hạn hán và xâm nhập mặn,. . . nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người chủ động tham gia tích cực các biện pháp phòng chống, không chủ quan lơ là mất cảnh giác trong công tác phòng, chống.

2. Công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, bệnh LMLM gia súc, bệnh tai xanh trên heo.

- Các địa phương tập trung vận động hộ chăn nuôi thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vaccine phòng bệnh trên đàn vật nuôi, đặc biệt là tiêm phòng cúm gia cầm và vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh, chú ý tiêm bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, tiêm đủ mũi tiêm đúng qui định.

- Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh đến tận ấp, khóm; phát hiện kịp thời các trường hợp gia cầm, heo mắc bệnh, tuyệt đối không giấu dịch, xử lý triệt để các ổ dịch khi mới xảy ra, bao gồm: tiêu hủy gia cầm, heo tại ổ dịch, khoanh vùng tiêu độc khử trùng tránh để dịch lan ra diện rộng.

-  Trong những ngày giáp Tết, việc giết mỗ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm là rất lớn. Do đó đề nghị Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn tập trung chỉ đạo tốt công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các điểm chợ buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn mình quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm xuất nhập trên địa bàn huyện, chỉ cho phép vận chuyển gia súc, gia cầm khoẻ mạnh, đã thực hiện tiêm phòng (đối với gia cầm) và có giấy kiểm định của cơ quan thú y.

3. Công tác phòng, trừ dịch bệnh trên cây trồng.

- Tăng cường chỉ đạo cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thông tin kịp thời, hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy và bệnh cháy lá có hiệu quả như bơm ngập nước ruộng, khi rầy hiện diện với mật số 3-5 con/tép lúa tiến hành phun xịt, khi phun phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng, nên dùng các loại thuốc đặc trị rầy; áp dụng kỹ thuật 03 giảm 03 tăng, bón phân theo bảng so màu lá.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu vào đèn, rầy di trú để dự báo, dự tính chính xác từng lứa rầy, kiểm tra, khoanh vùng nơi bị nhiễm rầy với mật số cao, kịp thời tổ chức nông dân phun xịt rầy đồng loạt, tránh để xảy ra tình trạng cháy rầy ở diện rộng.

4. Công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và triều cường.

Kiện toàn BCH phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn. Tiến hành kiểm tra, gia cố, nâng cấp các tuyến bờ bao ven sông, các cống bọng đầu mối để hạn chế thiệt hại do triều cường dâng cao, nhất là các khu vực xung yếu các xã ven sông Hậu như An Phú Tân, Hoà Tân, Ninh Thới và Tam Ngãi; Xây dựng và thực hiện kế hoạch nạo vét các kênh nội đồng và hoàn thành kế hoạch thuỷ lợi nội đồng ngay từ đầu năm, quản lý và vận hành công trình thuỷ lợi theo kế hoạch sản xuất nhằm ngăn mặn, giữ ngọt, đồng thời chủ động tiêu úng đảm bảo phục vụ sản xuất cho người dân; Xây dựng phương án khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ trực tết có đủ lực lượng về chuyên môn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, phát hiện chậm, thực hiện các biện pháp dập dịch nhanh chóng (nếu có). Thực hiện chế độ thông tin báo cáo đúng quy định (trước và sau tết phải báo cáo kế hoạch triển khai và kết quả thực hiện đúng quy định).

Khánh Tiên

Bản đồ

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 1535
  • Trong tuần: 25 282
  • Tất cả: 4200679
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN CẦU KÈ
- Đơn vị quản lý UBND huyện Cầu Kè - Số 27 đường Trần Phú, Khóm 4, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
- Điện thoại: 0294.3834027 - Fax: 0294.3834027
- Email: cauke@travinh.gov.vn
Ghi rõ nguồn "Trang tin điện tử huyện Cầu Kè" khi phát hành lại thông tin từ website này
Designed by VNPT.