Chào mừng Quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Trà Vinh! - Trang thông tin điện tử đang trong quá trình xây dựng và cập nhật thông tin, rất mong nhận được sự góp ý và quan tâm của Quý bạn đọc!
Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh chia sẽ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 126

       Ngày 25/11/2022, tại tỉnh Long An Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệp thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số địa phương khu vực miền Nam. Nội dung: Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện và giải pháp nâng cao, hiệu quả công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. 

      Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Tư pháp các tỉnh miền Nam như: Long An, Trà Vinh, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu,Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ… Tại Hội thảo, dưới sự chủ trì của ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và bà Ngô Huỳnh Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp đã nghe các Sở Tư pháp các tỉnh miền Nam trình bày tham luận theo chủ đề Hội thảo. Đại diện Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh, ông Lâm Sáng Tươi (Giám đốc), đã chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cụ thể như sau:
       Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có 05 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới; 10 xã nông thôn mới nâng cao; 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Nâng tổng số toàn tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 37 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 43,53%); 8/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt 88,88%).

Ông Lâm Sáng Tươi, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Hội thảo

       Để công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (gọi tắt là Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg), Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (gọi tắt là Thông tư số 09/2021/TT-BTP); Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 (gọi tắt là Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg) và Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh, Sở Tư pháp thực hiện một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể như sau:
       Một là, xây kế hoạch triển khai, tập huấn về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2021/TT-BTP của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp . Kết quả, đã tổ chức tập huấn cho hơn 140 đại biểu là công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chuẩn tiếp cận pháp luật và công chức phụ trách thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của từng công chức trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật.
       Hai là, Tổ chức Đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại các huyện, thị xã, thành phố về “Chuẩn tiếp cận pháp luật” với thành phần tham dự gồm: lãnh đạo UBND huyện, Tòa án nhân dân huyện, Hội Luật gia huyện, Phòng Tư pháp, UBND và công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã. Tại buổi làm việc, Sở Tư pháp nghe các địa phương báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tiêu chí thành phần 18.4 của tiêu chí 18 “Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật” và tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Qua làm việc, Đoàn công tác Sở Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể các địa phương về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các nội dung thực hiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định mới , nhất là việc xây dựng các mô hình thông tin, PBGDPL hiệu quả; mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả được công nhận, trợ giúp pháp lý và các nội dung khác trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật.

      Ba là, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 113/KH-STP ngày 13/5/2022 của Sở Tư pháp kiểm tra, giám sát công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Theo đó, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thông qua kiểm tra, giám sát,  Sở Tư pháp đã hướng dẫn cụ thể các đơn vị được kiểm tra, giám sát thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật.
        Bốn là, Sở Tư pháp tổ chức Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến với chủ đề “Thực hiện đúng, đầy đủ các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” nhằm giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức và Nhân dân hiểu rõ hơn quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là hiểu đúng, đầy đủ (tiêu chí thành phần 18.4) của tiêu chí 18 “Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật” và (tiêu chí thành phần 16.1, 16.2, 16.3) tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và chỉ tiêu 9.6 “Huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” của tiêu chí 9 “ Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công” của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới.
        Năm 2022, qua báo cáo đánh giá của các địa phương, toàn tỉnh có 106/106 xã, phường, thị trấn thực hiện đạt chỉ tiêu, tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật. 
       Qua đánh giá chung việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Sở Tư pháp nhận thấy, các địa phương hiện nay, cán bộ, công chức phụ trách tiêu chí “Chuẩn tiếp cận pháp luật” hiểu chưa đúng, đầy đủ các chỉ tiêu của Tiêu chí 16 “Tiếp cận pháp luật” thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 318/QĐ-TTg và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Quyết định số 1723/QĐ-BTP. Cụ thể:
       + Chỉ tiêu 16.1 “Có mô hình điển hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả được công nhận”: 
       * Về PBGDPL hoạt động hiệu quả: Các địa phương điều có mô hình PBGDPL hoạt động hiệu quả của các ngành, đoàn thể. Tuy nhiên, để được đánh giá công nhận, nhân rộng và khen thưởng mô hình… thì các địa phương chưa xác định thực hiện theo đúng hướng dẫn như: chọn mô hình, quy trình lấy Phiếu đánh giá hiệu quả mô hình..., nhất là việc quy động nguồn lực hỗ trợ công tác PBGDPL.
        * Về mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả: Các địa phương vẫn có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, để được đánh giá công nhận, nhân rộng và khen thưởng mô hình… thì các địa phương chưa thực hiện được như: tên gọi mô hình; có hoạt động phối hợp với Tòa án nhân dân cấp huyện, Hội Luật gia cấp huyện, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật trong tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hòa giải… đây là điều kiện rất khó để minh chứng do vướng về nguồn lực.
       + Chỉ tiêu 16.2 “Tỷ lệ mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được hòa giải thành” đạt từ 90% trở lên: Qua nắm tình hình tại các địa phương, tỷ lệ hòa giải hiện nay không đạt theo yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu, các địa phương hiểu chưa đúng phạm vi hòa giải ở cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, nhất là quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013: (1)“Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”; (2)“Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”. Tuy nhiên thời gian qua, các vụ, việc tranh chấp đất đai tại địa phương hầu hết giao cho các tổ hòa giải ở cơ sở tiếp nhận hòa giải, trong khi giải quyết tranh chấp đất đai là rất khó. Bên cạnh còn tiếp nhận hòa giải những vụ, việc ngoài phạm vi hòa giải ở cơ sở như: tranh cấp hợp đồng dân sự, hụi... Từ đó, kéo giảm tỷ lệ hòa giải thành của các Tổ hòa giải ở cơ sở.
       + Chỉ tiêu 16.3 “Tỷ lệ người dân thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý tiếp cận và được trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu” đạt từ 90% trở lên: Các địa phương hiện nay chưa rà soát lập danh sách thống kê người thuộc diện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý, nhất là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng mà UBND cấp xã có được thông tin theo quy định giới thiệu đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý theo hướng dẫn tại tiểu mục 3 Mục III Phần II của Quyết định số 1723/QĐ-BTP. Còn cho đây là trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp.
       Ngoài ra, một số UBND cấp huyện và UBND cấp xã việc chỉ đạo thực hiện công tác này còn chậm, chưa kịp thời, việc thực hiện các tiêu chí về chuẩn tiếp cận pháp luật còn chưa đảm bảo; chưa chú trọng đến xây dựng các các tiêu chí tiếp cận pháp luật mà chỉ chú trọng việc đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật. Công tác chấm điểm, đánh giá tiếp cận pháp luật còn chưa thực sự phản ánh sát đúng với tình hình thực tiễn của địa phương. Việc tổ chức triển khai các thiết chế pháp luật chưa cao, còn mang tính hình thức, chưa bám sát yêu cầu của người dân, chưa tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận pháp luật; chưa có sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị đặc biệt là ở cấp xã, để có sự đánh giá, giải quyết một cách toàn diện, tổng thể đối với công tác xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhiều địa phương còn coi đây là nhiệm vụ của cơ quan Tư pháp; một số công chức cấp xã chưa nắm rõ được những nội dung cơ bản của các tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật để tham mưu xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, do vậy việc đánh giá kết quả chính xác chưa cao...
       * Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đánh giá, công nhận cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Thông tư số 09/2021/TT-BTP, Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg và Quyết định số 1723/QĐ-BTP… để nâng cao chất lượng xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, nhất là đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện đạt nông thôn mới cần thực hiện một số giải pháp sau:
       Một là, tăng cường phổ biến, quán triệt về mục đích, ý nghĩa, nội dung tiêu chí, chỉ tiêu và các nhiệm vụ về chuẩn tiếp cận pháp luật, qua đó thống nhất về nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và Nhân dân coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó chính quyền cơ sở giữ vai trò nòng cốt. Đảm bảo mỗi người dân và mỗi cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đúng đắn và đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. 
       Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, chính quyền cấp huyện cần quyết liệt đối với các xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, các xã trọng điểm về vi phạm pháp luật, bảo đảm các tiêu chí được thực hiện đồng đều, bền vững. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu của từng tiêu chí để xác định tiến độ thực hiện và mức độ đạt được từ đó có giải pháp khả thi hơn; tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ người dân trong tiếp cận thông tin pháp luật và giám sát chặt chẽ các hoạt động thi hành pháp luật, nhằm phòng ngừa khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, tránh xảy ra trọng án và tình hình tội phạm gia tăng.
       Ba là, chính quyền các cấp quan tâm bố trí kinh phí, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để triển khai nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từ nguồn ngân sách địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành. Trong đó, cần ưu tiên bố trí kinh phí để hỗ trợ cấp xã còn nhiều chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn, xã trọng điểm về vi phạm pháp luật. Khuyến khích, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
       Bốn là, chính quyền cấp huyện cần thực hiện đúng thực chất, đầy đủ các nội dung đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện tuyền thông, thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, công chức theo dõi, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật phù hợp với lĩnh vực được giao quản lý, đồng thời chú trọng công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ này, nhất là tăng cường hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở. Rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật và căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, bảo đảm xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật bền vững./.

                                                                                 Tin, ảnh:  Hoàng Tâm
 
 
TIN LIÊN QUAN
1 2 3 4 5  ... 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lâm Sáng Tươi - Giám đốc Sở Tư pháp - Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan trường trực: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
Địa chỉ: Số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
Điện thoại: 0294 3866409   Email: pbgdpltravinh@travinh.gov.vn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 571
  • Trong tuần: 6 430
  • Tất cả: 442340