Chào mừng Quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Trà Vinh! - Trang thông tin điện tử đang trong quá trình xây dựng và cập nhật thông tin, rất mong nhận được sự góp ý và quan tâm của Quý bạn đọc!
35 tình huống tiếp cận pháp luật
Lượt xem: 1453

Câu 1. Ở địa phương tôi thời gian qua, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện bằng rất nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia tìm hiểu pháp luật. Vậy luật có những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nào? Có bắt buộc phải áp dụng tất cả các hình thức đó hay không?

Trả lời:

Theo Điều 11, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện dưới những hình thức sau đây:

1. Họp báo, thông cáo báo chí.

2. Phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật.

3. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; đăng tải trên Công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư.

4. Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật.

5. Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở.

6. Lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở.

7. Thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân.

8. Các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật khác phù hợp với từng đối tượng cụ thể mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có thể áp dụng để bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đem lại hiệu quả.

Các hình thức trên rất phong phú và đa dạng; căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa bàn và tính chất đặc điểm của từng nhóm đối tượng, nội dung tuyên truyền phổ biến cụ thể mà áp dụng cho phù hợp không nhất thiết phải bắt buộc áp dụng tất cả các hình thức trên.

 

Câu 2. Anh A là công chức của bộ X được giao thực hiện nhiệm vụ đăng tải các thông tin pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Vậy những để công khai, thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật. Anh A muốn biết các thông tin pháp luật nào phải được đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ?

Trả lời:

Theo Điều 13, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, các thông tin pháp luật sau đây phải được đăng tải  trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức;

b) Văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan ban hành hoặc do cơ quan, tổ chức phối hợp ban hành;

c) Các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức;

d) Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được công bố để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật.

 

Câu 3. Trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các phương tiện thông tin đại chúng có trách nhiệm gì, được thực hiện bằng những hình thức nào?

Trả lời:

Phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng được quy định tại Điều 14 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, cụ thể như sau:

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, báo của các cơ quan bảo vệ pháp luật, báo và đài phát thanh, đài truyền hình cấp tỉnh xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật để phổ biến các quy định của pháp luật, tình hình thi hành pháp luật và các thông tin khác về pháp luật.

 

Câu 4. Uỷ ban nhân dân huyện X đang xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn K liên quan đến quyết định giải quyết tranh chấp đất đai giữa gia đình ông và gia đình hàng xóm. Trong quá trình giải quyết, ông K có yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện X cung cấp, giải thích các quy định pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ việc nhưng bị Uỷ ban nhân dân huyện này từ chối. Việc làm này đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Việc UBND huyện tư vấn, giải thích, cung cấp các quy định pháp luật được áp dụng để giải quyết vụ vuệc là sai bởi vì theo Khoản 1 Điều 15 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang xem xét, giải quyết vụ việc của công dân có trách nhiệm giải thích, cung cấp các quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đến vụ việc đang giải quyết hoặc hướng dẫn tìm kiếm, tra cứu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật khi công dân đó có yêu cầu.

 

Câu 5. Được Uỷ ban xã X thông báo về việc Tòa án nhân dân huyện X sẽ tổ chức xét xử lưu động tại xã nhà để kết hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho bà con, có ý kiến cho rằng việc này là không được phép vì ảnh hưởng đến danh dự của người bị đưa ra xét xử. Ý kiến này là đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Ý kiến này là sai vì Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật không cấm việc đưa vụ án ra xét xử lưu động. Hơn nữa, theo Điều 11, Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012, một trong những hình thức, phổ biến giáo dục pháp luật được xác định là Thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước;thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở”. Tại khoản 1 Điều 16 của Luật cũng quy định “Tòa án nhân dân các cấp thông qua công tác xét xử tại trụ sở, lựa chọn các vụ án thích hợp có tính giáo dục cao để tổ chức xét xử lưu động nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho người tham dự phiên tòa và nhân dân”.

Để bảo đảm các quyền của con người, quyền công dân tử năm 2018 Tòa án nhân dân tối cao không xác định chỉ tiêu phải đưa vụ việc ra xét xử hàng năm đối với các cấp tòa án như trước đây mà căm cứ như cầu, điều kiện thực tế và tính chất cụ thể của từng vụ việc mà quy định bảo đảm tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa…

 

Câu 6. Ông A là người dân tộc X sống ở một xã đặc biệt khó khăn miền núi Y. Qua báo đài, ông được biết nhà nước đang rất chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân. Vậy nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phân công trách nhiệm và những chính sách của nhà nước trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho những đối tượng đặc thù tại các địa bàn này được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012,Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân căn cứ vào đặc điểm của từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về dân tộc, tôn giáo, trách nhiệm tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh, quốc phòng, biên giới, chủ quyền quốc gia, biển, đảo, tài nguyên, khoáng sản và các lĩnh vực pháp luật khác gắn liền với đời sống, sản xuất của người dân.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân được chú trọng thực hiện thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật, cung cấp miễn phí thông tin, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc cho đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa truyền thống.

Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân.

Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; chủ trì phối hợp với Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở khu vực biên giới, ven biển và hải đảo.

Để triển khai thực hiện các quy định trên, trong từng thời kỳ Thủ tường có ban hành các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật cho địa bàn này như Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”, Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”…để tập trung nghiên cứu đầu tư, chỉ đạo hướng dẫn làm điểm để nhân rộng, bảo đảm trọng tâm trọng điểm.

 

Câu 7. Đa số công nhân lao động của doanh nghiệp B xuất thân từ  nông nghiệp, lao động phổ thông và chưa qua đào tạo, kiến thức về pháp luật lao động còn hạn chế, chưa biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình khi tham gia quan hệ lao động. Người lao động trong doanh nghiệp này rất quan tâm và mong muốn được tìm hiểu các quy định về phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp hiện nay như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 18 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp tập trung vào quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, pháp luật về việc làm, an toàn vệ sinh lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, pháp luật công đoàn và các quy định khác của pháp luật về lao động.

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp được chú trọng thực hiện thông qua việc phổ biến trực tiếp, niêm yết các quy định pháp luật tại nơi làm việc, tủ sách pháp luật, giỏ sách pháp luật, tờ gấp, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian, bảo đảm các điều kiện cần thiết để phổ biến, giáo dục pháp luật; phối hợp với tổ chức công đoàn tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động trong doanh nghiệp.

Tổ chức công đoàn có trách nhiệm chủ trì vận động người lao động tìm hiểu, học tập pháp luật.

Cụ thể hóa quy định này trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ có ban hành các Đề án về tuyên truyền, phổ biến cho người lao động và người sử dụng lao động trong đó các Đề án đó đều xác định quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể để tổng hợp nghiên cứu, đầu tư, hướng dẫn, chỉ đạo nhân rộng các mô hình hiệu quả.

 

Câu 8. Chị C là cán bộ phụ nữ xã D. Chị được biết hiện nay việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang được nhà nước chú trọng do trình độ dân trí cũng như điều kiện, cơ hội, khả năng tiếp cận kiến thức pháp luật của chị em còn khá hạn chế. Đặc biệt, nhiều chị em phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, thường xuyên bị bạo hành, đánh đập. Chị C muốn biết hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình chủ yếu được thực hiện thông qua các hình thức nào?

Trả lời:

Theo Điều 19 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho nạn nhân bạo lực gia đình được thực hiện thông qua các hình thức chủ yếu là: Thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý lưu động; tư vấn pháp luật miễn phí; phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp tại nơi tạm lánh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

Đồng thời, nhà nước đã có nhiều quy định để bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình thông qua các quy định của Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật trợ giúp pháp lý, cụ thể:

- Điều 23 Luật bình đẳng giới quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới: Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường, trong các hoạt động của cơ quan, tổ chức và cộng đồng. Việc thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới thông qua các chương trình học tập, các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và các hình thức khác.

- Điều 9, 10, 11 Luật phòng, chống bạo lực gia đình về mục đích và yêu cầu, nội dung, hình  thức  của thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó nội dung thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình (gồm

chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình, truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; tác hại của bạo lực gia đình; các nội dung khác có liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình…) và các hình thức (gồm thực hiện trực tiếp; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong việc giảng dạy, học tập tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thông qua hoạt động văn học, nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng và các loại hình văn hoá quần chúng khác).

- Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý, một trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý là nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính

 

Câu 9. Là một đưa trẻ khuyết tật bẩm sinh, vượt lên số phận, G đã vươn lên trong học tập, thi đỗ đại học và rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội của trường. Vốn ham học hỏi, trong quá trình học tập, G rất quan tâm tìm hiểu chính sách, pháp luật của nhà nước dành cho người khuyết tậtmuốn biết cơ quan nào chủ trì triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật? Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật tập trung vào những vấn đề gì và bằng cách nào?

Trả lời:

Theo Điều 20 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, cơ quan lao động - thương binh và xã hội giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp chủ trì, phối hợp với tổ chức người khuyết tật các cấp, các cơ quan, tổ chức khác thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật.

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật tập trung vào các quy định pháp luật về quyền của người khuyết tật; chế độ, chính sách của Nhà nước, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ người khuyết tật và các quy định khác của pháp luật liên quan đến người khuyết tật.

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho người khuyết tật được chú trọng thực hiện bằng hình thức, phương thức, phương tiện, tài liệu phù hợp với từng loại đối tượng người khuyết tật.

Đồng thời, nhà nước đã có nhiều quy định để bảo vệ người khuyết tật thông qua các quy định của Luật người khuyết tật, Luật trợ giúp pháp lý, cụ thể:

- Điều 4 Luật người khuyết tật quy định, quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật: Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật; các quyền khác theo quy định của pháp luật…

- Điều 13 Luật người khuyết tật quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật nhằm phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật; nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật. Nội dung thông tin, truyền thông, giáo dục về vấn đề khuyết tật (bao gồm Quyền, nghĩa vụ của người khuyết tật; đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật…).

- Điều 7 Luật trợ giúp pháp lý, một trong các đối tượng được trợ giúp pháp lý là người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

 

Câu 10. Qua theo dõi, tôi thấy một số người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…vi phạm pháp luật là do chưa hiểu biết pháp luật. Vậy, để nâng cao hiểu biết pháp luật cho những đối tượng này cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật những nội dung gì và bằng cách nào?

Trả lời:

Theo Điều 21 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, tùy theo từng đối tượng mà tập trung vào các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội.

Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này được chú trọng thực hiện thông qua chương trình học pháp luật, giáo dục công dân và lồng ghép trong chương trình học văn hoá, học nghề, giáo dục tái hòa nhập cộng đồng; phổ biến thông tin thời sự, chính sách; sinh hoạt câu lạc bộ, nhóm đồng đẳng và các hình thức phù hợp khác.

Để cụ thể hóa các quy định này, phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng giai đoạn, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 2045/QĐ-TTg ngày 19/12/2017 phê duyệt Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người đang bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng… trong đó chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng; đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật thường xuyên, liên tục trên diện rộng và cho cả trường hợp cá biệt; xác định rõ lộ trình thực hiện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; thu hút, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng.

 

Câu 11. Gần đây tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn xã Q, có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự tái phạm tội. Cấp ủy, chính quyền xã Q rất quan tâm lãnh đạo công tác tuyên truyền phổ biến pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, nhất là những đối tượng, có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật. Sau khi được giao đảm nhận công tác là công chức Tư pháp – Hộ tịch, anh P muốn tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, trước mắt tập trung vào đối tượng người bị phạt tù nhưng được hưởng án treo. Anh băn khoăn chưa biết triển khai những nội dung gì và bằng những hành vi nào để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và đạt mực tiêu đề ra?

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho người bị phạt tù được hưởng án treo  cần tập trung vào các nội dung, hình thức sau như sau:

- Về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật: Tập trung vào các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính.

- Về hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật: Chú trọng thực hiện thông qua hình thức phổ biến pháp luật trực tiếp; sinh hoạt câu lạc bộ và các hình thức phù hợp khác.

- Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật giao Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan, cộng đồng dân cư và gia đình người bị phạt tù được hưởng án treo tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng này (Điều 22 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012).

Để việc phổ biến cho đối tượng trên đạt hiệu quả, cần bảo đảm trọng tâm trọng điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lựa chọn nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với tính chất của từng nhóm đối tượng và điều kiện thực tế của địa phương.

 

Câu 12. Gần đây, tại địa phương tôi sinh sống, Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11 được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo thu hút sự tham gia tích cực, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trên địa bàn. Vậy mục đích và nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam được quy định như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật,; Điều 5, Điều 6 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 04/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Ngày Pháp luật được phát động kể từ ngày 09/11/2013, đến nay đã và đang trở thành thường xuyên liên tục.

2. Về nội dung tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

- Khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; 

- Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; 

- Tuyên truyền, phổ biến các quy định của Hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; 

- Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; 

- Biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật;

- Nội dung khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

3. Về hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam

- Mít tinh; hội thảo; tọa đàm; 

- Thi tìm hiểu pháp luật; 

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lưu động; triển lãm; 

- Các hình thức khác theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Hàng năm, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn chuyên đề, nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật. Trên cơ sở đó các Bộ, ngành, địa phương hướng dẫn, triển khai tổ chức thực hiện phù hớp với đặc thù địa từng đơn vị.

 

Câu 13. Vừa qua, một số Bộ, ngành, địa phương đã thu hút được sự tham gia và hỗ trợ về kinh phí của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tăng cường nguồn lực, nâng cao chất lượng, quy mô hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Vậy Nhà nước có chính sách gì để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật?

Trả lời:

Theo Điều 8 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được hưởng một số chính sách hỗ trợ, cụ thể như sau:

1. Chính sách hỗ trợ đối với tổ chức, doanh nghiệp:

a) Được cơ quan nhà nước cấp phát tài liệu pháp luật, cung cấp thông tin miễn phí về chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực pháp luật được phổ biến, giáo dục; được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng phổ biến, giáo dục pháp luật không thu tiền trong trường hợp tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nguồn kinh phí của mình;

b) Được thực hiện hoạt động quảng cáo khi tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí hoặc hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo;

c) Được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

2. Chính sách hỗ trợ đối với cá nhân:

a) Được hưởng chính sách quy định tại Điểm a, Điểm c Mục 1 nêu trên;

b) Người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng là người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người khuyết tật mà không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật được hưởng chính sách quy định tại Điểm a, Điểm c Mục 1 nêu trên; hưởng thù lao và chế độ khi tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật;

c) Giáo viên dạy môn giáo dục công dân cho người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập được hưởng phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trực tiếp giảng dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập tại Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

 

Câu 14. Đề nghị cho biết chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin gồm những ai, được quy định cụ thể như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 4 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 những chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin gồm: Công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Luật tiếp cận thông tin năm 2016;

 Người mất năng lực hành vi dân sự thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người giám hộ;

Người dưới 18 tuổi yêu cầu cung cấp thông tin thông qua người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp luật về trẻ em và luật khác có quy định khác.

 

Câu 15. Tôi được biết Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong Hiến pháp năm 2013. Vậy với tư cách là công dân, tôi có quyền và nghĩa vụ gì trong việc tiếp cận thông tin?

Trả lời:

Theo Điều 8 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 công dân có các quyền và nghĩa vụ sau đây trong việc tiếp cận thông tin:

a) Về quyền: Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.

b) Về nghĩa vụ: Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;  Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp; Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

 

Câu 16. Chúng tôi là người dân sống ở nông thôn còn nhiều khó khăn, bà con sớm tối lo làm ăn, sinh sống. Những lúc nông nhàn, rỗi rãi một số bà con cũng có ý thức tự tìm hiểu chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc được Ủy ban nhân dân xã thông tin, phổ biến, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống, làm ăn. Chúng tôi được biết Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin nên muốn biết phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin của Ủy ban nhân dân cấp xã như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 9, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra và thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trừ thông tin công dân không được tiếp cận như:

- Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.

Khi thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật thì công dân được tiếp cận theo quy định của Luật này.

- Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

Đối với trường hợp thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện thì cung cấp thông tin khi có đủ điều kiện theo quy định.

Đồng thời Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm cung cấp cho công dân cư trú trên địa bàn thông tin do mình và do các cơ quan ở cấp mình tạo ra, thông tin do mình nhận được để trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; cung cấp cho công dân khác thông tin này trong trường hợp liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ;

 

Câu 17. Trong việc cung cấp và sử dụng thông tin có những hành vi nào bị cấm?

Trả lời:

Theo Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, trong cung cấp và sử dụng thông tin các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

1. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin.

2. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin để chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại chính sách đoàn kết, kích động bạo lực.

3. Cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

4. Cản trở, đe dọa, trù dập người yêu cầu, người cung cấp thông tin.

 

Câu 18. Vừa qua, tôi được Ủy ban nhân dân huyện mời dự Hội nghị quán triệt, tập huấn về nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ Tư pháp. Qua Hội nghị này tôi được biết một trong những nội dung để rà soát, chấm điểm của Tiêu chí “Phổ biến, giáo dục pháp luật” là “Công khai văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung có liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước) thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã”. Vậy những thông tin phải được công khai theo Luật tiếp cận thông tin?

Trả lời:

Theo Điều 17, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, các thông tin sau đây phải được công khai:

1. Các thông tin sau đây phải được công khai rộng rãi:

1.1. Văn bản quy phạm pháp luật; văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;

1.2. Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

1.3. Dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung và kết quả trưng cầu ý dân, tiếp thu ý kiến của Nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cơ quan nhà nước mà đưa ra lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật; đề án và dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới hành chính;

1.4. Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước;

1.5. Thông tin về dự toán ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước; thủ tục ngân sách nhà nước;

1.6. Thông tin về phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và nguồn viện trợ phi chính phủ theo quy định; thông tin về quản lý, sử dụng các khoản cứu trợ, trợ cấp xã hội; quản lý, sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân, các loại quỹ;

1.7. Thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công; thông tin về đấu thầu; thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn;

1.8. Thông tin về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp; báo cáo giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước đại diện chủ sở hữu; thông tin về tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;

1.9. Thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường; kết luận kiểm tra, thanh tra, giám sát liên quan đến việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của cộng đồng, an toàn thực phẩm, an toàn lao động;

1.10. Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân; nội quy, quy chế do cơ quan nhà nước ban hành;

1.11. Báo cáo công tác định kỳ; báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; cơ sở dữ liệu quốc gia ngành, lĩnh vực; thông tin về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;

1.12. Danh mục thông tin phải công khai theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước hoặc người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin;

1.13. Thông tin liên quan đến lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;

1.14. Thông tin về thuế, phí, lệ phí;

1.15. Thông tin khác phải được công khai theo quy định của pháp luật.

 2. Ngoài thông tin phải được công khai rộng rãi nêu trên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.

 

Câu 19. Có những hình thức công khai thông tin nào? Thời điểm công khai thông tin được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 18, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, các hình thức công khai thông tin bao gồm:

+ Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

+ Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng;

+Đăng Công báo;

+ Niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác;

+ Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật;

+Các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định.

- Trường hợp pháp luật có quy định về hình thức công khai đối với thông tin cụ thể thì áp dụng quy định đó.

Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể hình thức công khai thông tin thì căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin có thể lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai thông tin quy định tại khoản 1 Điều này bảo đảm để công dân tiếp cận được thông tin.

- Đối với đối tượng là người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ngoài các hình thức công khai thông tin nêu trên, cơ quan nhà nước xác định hình thức công khai thông tin phù hợp với khả năng, điều kiện tiếp cận thông tin của công dân.

- Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày tạo ra thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai thông tin.

 

Câu 20. Tôi có thời gian truy cập vào các Cổng/Trang Thông tin điện tử của một số Bộ, ngành hàng ngày để tìm hiểu thông tin, trong đó có các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ công việc và thấy có nhiều loại thông tin, văn bản được đăng tải, công khai. Vậy thông tin nào phải được công khai trên Cổng/Trang Thông tin điện tử?

Trả lời:

Theo Khoản 1, Điều 19, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, các thông tin sau đây phải được công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử:

1. Văn bản quy phạm pháp luật; điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là một bên; thủ tục hành chính, quy trình giải quyết công việc của cơ quan nhà nước;

2. Thông tin phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước;

3. Chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước;

4. Thông tin về danh mục dự án, chương trình và kết quả thực hiện đầu tư công, mua sắm công và quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, các nguồn vốn vay;

5. Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, sơ đồ tổ chức của cơ quan và của đơn vị trực thuộc; địa chỉ, số điện thoại, số fax, địa chỉ thư điện tử của cơ quan nhà nước, người làm đầu mối tiếp nhận yêu cầu cung cấp thông tin;

6. Báo cáo tài chính năm; thông tin thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý; thông tin về danh mục và kết quả chương trình, đề tài khoa học;

7. Danh mục thông tin phải được công khai, trong đó phải nêu rõ địa chỉ, hình thức, thời điểm, thời hạn công khai đối với từng loại thông tin;

8. Các thông tin nếu xét thấy cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;

9. Các thông tin khác mà pháp luật quy định phải đăng trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử.

 

Câu 21. Anh Trần Văn B thành lập Công ty TNHH 1 thành viên X do anh làm Giám đốc – đại diện theo pháp luật và đăng một quảng cáo về doanh nghiệp trên Báo H. Tuy nhiên khi Báo H đăng tải quảng cáo công khai thông tin doanh nghiệp thì thông tin người đại diện theo pháp luật là Nguyễn Văn B (sai họ “Trần” thành họ “Nguyễn”). Vậy việc xử lý thông tin công khai không chính xác trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 22, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, kTrường hợp phát hiện thông tin do mình tạo ra nhưng được cơ quan khác công khai không chính xác thì cơ quan tạo ra thông tin có trách nhiệm yêu cầu cơ quan đã công khai thông tin kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

Thông tin công khai không chính xác bằng hình thức nào thì phải được đính chính bằng hình thức đó.

Do vậy, anh Trần Văn B có trách nhiệm thay mặt Công ty yêu cầu Báo H đã công khai thông tin kịp thời đính chính, công khai thông tin đã được đính chính.

 

Câu 22. các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân nào?

Trả lời:

Theo Điều 33, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân bao gồm:

1. Bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

2. Vận hành cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp theo quy định của Chính phủ.

3. Tăng cường cung cấp thông tin thông qua hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước và phương tiện thông tin đại chúng.

          4. Xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin.

5. Bố trí hợp lý nơi tiếp công dân để cung cấp thông tin phù hợp với điều kiện của từng cơ quan.

6. Củng cố, kiện toàn công tác văn thư, lưu trữ, thống kê; trang bị phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin và điều kiện cần thiết khác để người yêu cầu có thể trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu tại trụ sở cơ quan nhà nước và qua mạng điện tử.

 

Câu 23. Các cơ quan cung cấp thông tin có trách nhiệm gì trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin?

Trả lời:

Theo Điều 34, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin quy định tại Điều 9 của Luật Tiếp cận thông tin 2016 có trách nhiệm:

+ Công khai, cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác, đầy đủ; trong trường hợp phát hiện thông tin đã cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ thì phải đính chính hoặc cung cấp bổ sung thông tin;

+ Chủ động lập, cập nhật, công khai Danh mục thông tin phải được công khai và đăng tải Danh mục trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử; thường xuyên cập nhật và công khai thông tin theo đúng thời điểm, thời hạn và hình thức theo Danh mục thông tin phải được công khai;

+ Duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin có trách nhiệm cung cấp, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu;

+ Bảo đảm tính chính xác, đầy đủ của thông tin. Việc chuyển giao thông tin giữa các hệ thống dữ liệu được thực hiện theo quy định của pháp luật;

+ Hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin;

+ Rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp;

+ Kịp thời xem xét, cân nhắc lợi ích của việc cung cấp thông tin để công khai thông tin hoặc cung cấp thông tin theo yêu cầu nhằm bảo đảm lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng;

+ Ban hành và công bố công khai quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, gồm các nội dung chính sau đây: xác định đầu mối cung cấp thông tin; việc chuyển giao thông tin của đơn vị tạo ra cho đơn vị đầu mối cung cấp thông tin; việc phân loại thông tin được cung cấp và không được cung cấp; cập nhật thông tin được công khai, thông tin được cung cấp theo yêu cầu; trình tự, thủ tục xử lý yêu cầu cung cấp thông tin giữa đơn vị đầu mối với đơn vị phụ trách cơ sở dữ liệu thông tin và các đơn vị có liên quan;

+ Rà soát các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để kịp thời đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật này;

+ Giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật;

+ Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tình hình bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân tại cơ quan mình khi được yêu cầu.

Người đứng đầu đơn vị được giao làm đầu mối cung cấp thông tin chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin của cơ quan mình, kịp thời xử lý người cung cấp thông tin thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi cản trở quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Người được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho công dân; không được nhũng nhiễu, gây cản trở, khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ.

 

Câu 24. Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đến đưa tin về việc xử lý những hành vi bị nghiêm cấm các hành vi, vi phạm pháp luật về báo chí. Một số cơ quan báo chí, nhà báo thực hiện hành vi vi phạm bị cảnh cáo, phạt tiền; đình bản tạm thời hoặc thu hồi giấy phép trong hoạt động báo chí. Vậy theo Luật Báo chí năm 2016 có những hành vi bị nghiêm cấm nào trong lĩnh vực báo chí?

Trả lời:

Theo Điều 9, Luật Báo chí năm 2016, có những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực báo chí sau đây:

1. Đăng, phát thông tin chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nội dung:

a) Xuyên tạc, phỉ báng, phủ nhận chính quyền nhân dân;

b) Bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân;

c) Gây chiến tranh tâm lý.

2. Đăng, phát thông tin có nội dung:

a) Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa Nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;

b) Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

c) Gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo;

d) Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

3. Đăng, phát thông tin có nội dung kích động chiến tranh nhằm chống lại độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

4. Xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc.

5. Tiết lộ thông tin thuộc danh Mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

6. Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng.

7. Kích động bạo lực; tuyên truyền lối sống đồi trụy; miêu tả tỉ mỉ những hành động dâm ô, hành vi tội ác; thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

8. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án.

9. Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em.

10. In, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, tác phẩm báo chí, nội dung thông tin trong tác phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, gỡ bỏ, tiêu hủy hoặc nội dung thông tin mà cơ quan báo chí đã có cải chính.

11. Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.

12. Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

13. Đăng, phát trên sản phẩm thông tin có tính chất báo chí thông tin quy định tại các Điểm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 nêu trên.

 

Câu 25. Ông Nguyễn Văn C có thói quen đọc báo và thường hay bình luận về các vấn đề thời sự, chính trị do các báo đưa tin với các bạn bè của ông. Gần đây ông có ý định viết và gửi các bài bình luận, góp ý cho các tờ báo về các vấn đề được nêu trên báo mà ông thấy tâm đắc. Tuy nhiên ông A – một người bạn của ông C cho rằng các tờ báo chỉ đăng tải những bài viết của các phóng viên, do đó các bài viết ông C gửi sẽ không được đăng tải. Ông C rất băn khoăn không biết ý kiến của ông A như vậy có đúng không? Vì sao?

Trả lời:

Ý kiến của ông A là không đúng. Bởi vì theo Điều 11 Luật Báo chí năm 2016 công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí. Theo đó công dân được:

- Được phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới.

- Được tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

- Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.

 

26. Anh A là phóng viên thời sự chính luận của Báo N. Anh được lãnh đạo giao phụ trách lấy thông tin về một vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng. Việc cung cấp thông tin cho báo chí trong trường hợp này được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 38, Luật Báo chí năm 2016, trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin cho báo chí có thể bằng văn bản, trên trang thông tin điện tử tổng hợp, họp báo, trả lời phỏng vấn và các hình thức khác. Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý trong một số trường hợp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, cụ thể như sau:

- Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật;

- Thông tin về vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;

- Thông tin về vụ việc đang trong quá trình thanh tra chưa có kết luận thanh tra; vụ việc đang trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định của pháp luật chưa được phép công bố;

- Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép công bố.

Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ người cung cấp thông tin, trừ trường hợp có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin; các cơ quan bảo vệ pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên bảo vệ người cung cấp thông tin.

Cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cử người phát ngôn, thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí định kỳ và đột xuất, bất thường.

 

27. Là doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, gần đây, doanh số kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Sau khi điều tra, doanh nghiệp X phát hiện nguyên nhân là do có một bài viết đăng trên Trang thông tin điện tử Y (một trang thông tin lớn và được giới trẻ quan tâm) phản ánh việc đồ ăn của doanh nghiệp X không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi kiểm tra, xác minh làm rõ doanh nghiệp X cho rằng tin bài trên là sai sự thật, làm ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, theo Luật Báo chí, doanh nghiệp X có thể làm gì để bảo vệ uy tín, danh dự của mình?

Trả lời:

Theo Điều 43 Luật Báo chí năm 2016, khi có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của mình hoặc gây hiểu lầm làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của mình thì doanh nghiệp X có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản đến cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Khi có phản hồi thông tin từ doanh nghiệp X, Trang thông tin điện tử Y phải đăng, phát ý kiến phản hồi của doanh nghiệp X. Thời điểm đăng, phát thông tin phản hồi được thực hiện theo quy định về đăng, phát cải chính được thực hiện ngay khi nhận được văn bản; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất là 07 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính, xin lỗi.

Trường hợp không nhất trí với ý kiến phản hồi của doanh nghiệp X, Trang thông tin điện tử Y vẫn phải đăng, phát ý kiến phản hồi đó và có quyền thông tin tiếp để làm rõ quan điểm của mình. Sau ba lần đăng, phát ý kiến phản hồi của doanh nghiệp và của mình mà không có sự nhất trí giữa hai bên thì Trang thông tin điện tử Y có quyền ngừng đăng, phát. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước có quyền yêu cầu cơ quan báo chí ngừng đăng, phát thông tin của các bên có liên quan.

Trang thông tin điện tử Y cũng có quyền không đăng, phát ý kiến phản hồi của doanh nghiệp X nếu ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín của mình, danh dự, nhân phẩm của tác giả tác phẩm báo chí (tác giả đưa tin), đồng thời thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do để doanh nghiệp X biết.

Khi đăng, phát ý kiến phản hồi, Trang thông tin điện tử Y phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây:

- Tên cơ quan, tổ chức, cá nhân phản hồi thông tin (Doanh nghiệp X);

- Tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát bị phản hồi thông tin.

 

Câu 28. Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 6 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.

 Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản.

 

Câu 29. Vừa qua, anh H nhận thấy Quốc hội thường hay tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về một số dự án luật quan trọng, liên quan đến đời sống của Nhân dân như: dự án Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật lao động…còn trước đó thì lấy ý điến về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Anh H muốn biết, việc lấy ý kiến đối với dự án luật được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 57 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong quá trình soạn thảo văn bản, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và cơ quan, tổ chức có liên quan; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định, cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo văn bản và tờ trình trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan bao gồm: Đăng tải báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội đối với đề nghị xây dựng luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ đối với đề nghị xây dựng luật của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức có đề nghị xây dựng luật và của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo trong thời gian ít nhất là 60 ngày, trừ những văn bản được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý kiến. Trong thời gian dự thảo đang được lấy ý kiến, nếu cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý lại dự thảo văn bản mà khác với dự thảo đã đăng tải trước đó thì phải đăng lại dự thảo văn bản đã được chỉnh lý.

Đối với trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến.

Ngoài đăng tải để lấy ý kiến theo quy định nêu trên, việc lấy ý kiến có thể thông qua hình thức lấy ý kiến trực tiếp, gửi dự thảo đề nghị góp ý kiến, tổ chức hội thảo, tọa đàm, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và đăng tải nội dung giải trình, tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức mình để Nhân dân biết.

Đối với dự án, dự thảo do đại biểu Quốc hội soạn thảo, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến theo các quy định nêu trên.

 

Câu 30. Qua kiểm tra hoạt động ban hành văn bản của xã T cho thấy trong năm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đoàn kiểm tra có trao đổi về mục đích, căn cứ ban hành văn bản quy phạm pháp luật của xã thì được đại diện xã T cho biết, việc xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương. Vậy mục đích, căn cứ ban hành văn bản quy phạm pháp luật của xã T là gì?

Trả lời:

Theo Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật giao.

Như vậy, việc Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã T ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương mà không căn cứ vào Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là sai, vi phạm quy định về thẩm quyền ban hành văn bản.

 

Câu 31. Tôi thấy Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã V khi xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đều căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo văn bản để tổ chức lấy ý kiến của của cơ quan, tổ chức có liên quan, của Nhân dân. Có ý kiến cho rằng đối với cấp xã khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thì không cần thiết phải lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động của dự thảo văn bản. Ý kiến này đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Ý kiến trên là sai, vì theo Điều 142 và Điều 144 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, của Nhân dân tại các thôn, làng, buôn, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố về dự thảo nghị quyết bằng các hình thức thích hợp. Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự thảo quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, của Nhân dân tại các thôn, làng, buôn, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và chỉnh lý dự thảo quyết định.

Như vậy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã khi xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần bám sát quy định về lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy định tại Điều 142 và Điều 144 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Đây cũng là một trong các hình thức phổ biến pháp luật có hiệu quả trong quá trình xây dựng dự thảo chính sách để nâng cao hiểu biết của Nhân dân và tạo đồng thuận trên địa bàn, qua đó góp phần để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.

 

Câu 32. Việc lấy ý kiến đối với dự thảo nghị định được thực hiện như thế nào theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật?

Trả lời:

Theo Điều 91, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, trong quá trình soạn thảo nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản và bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 57  của Luật này.

 

Câu 33. Để giúp người dân thuận tiện trong tiếp cận pháp luật, Ủy ban nhân dân xã K đã huy động được nguồn kinh phí xây dựng Tủ sách pháp luật và dự tính đặt Tủ sách tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân xã. Vậy Tủ sách pháp luật của xã cần phải có các loại sách, báo, tài liệu nào?

Trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, Tủ sách pháp luật cần có các loại sách, báo, tài liệu pháp luật sau đây:

- Văn phòng quy phạm pháp luật: các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến nhân dân và hoạt động của cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương;

- Tài liệu pháp luật phổ thông: sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân, tờ gấp, đề cương, băng, đĩa tuyên truyền, phổ biến pháp luật;

- Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; báo, bản tin pháp luật của trung ương và địa phương.

Ngoài các loại sách, báo, tài liệu nêu trên, Tủ sách pháp luật cấp xã phải có sách, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác chính quyền, hành chính, tư pháp cơ sở; Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị phải có sách, tài liệu pháp lý phục vụ cho công tác quản lý, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giảng dạy và học tập của cơ quan, đơn vị.

Các loại sách, báo, tài liệu của Tủ sách pháp luật cấp xã cần được lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương và từng đối tượng phục vụ. Tủ sách pháp luật ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm sách, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số.

Tủ sách pháp luật cấp xã và Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị cần được thường xuyên chọn lọc, bổ sung các loại sách, báo, tài liệu khác để phục vụ nhu cầu người đọc.

 

Câu 34. Xã Y là địa bàn có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp vì vậy đã có nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm trao tặng Tủ sách pháp luật và các loại sách, báo, tài liệu pháp luật mới. Anh C mới được tuyển dụngm công chức Tư pháp - Hộ tịch được giao quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật của xã. Anh muốn tìm hiểu các phương thức khai thác hiệu quả Tủ sách pháp luật như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 4, Điều 8 Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các phương thức khai thác Tủ sách pháp luật bao gồm:

1. Thường xuyên tuyên truyền về vị trí, vai trò của Tủ sách pháp luật trong việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; vận động, giới thiệu cho cán bộ và nhân dân đến nghiên cứu, đọc sách, báo, tài liệu pháp luật;

2. Kịp thời thông báo nội dung sách, báo, tài liệu pháp luật mới trên các bảng tin, trạm tin, loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện thuận tiện cho người đọc tìm hiểu, đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật của Tủ sách pháp luật;

3. Tích cực tổ chức giới thiệu sách, báo, tài liệu pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ, thi tìm hiểu pháp luật để nâng cao hiệu quả khai thác Tủ sách pháp luật;

4. Thực hiện việc trao đổi, luân chuyển sách, tài liệu pháp luật giữa các loại hình Tủ sách pháp luật trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

Anh C cần lựa chọn phương thức cho phù hợp với điều kiện đặc thù của xã để thu hút đông đảo cán bộ, công chức, nhân dân tham gia tìm hiểu, nghiên cứu.

 

Câu 35. Vừa đi làm về chị D đã nghe thấy Đài truyền thanh của xã thông báo 08 ngày nữa đến hội trường của xã để tham gia hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân xã với Nhân dân trên địa bàn. Chị thắc mắc với hàng xóm, láng giềng việc trước đây không thấy xã tổ chức hội nghị tương tự nhưng năm 2016 lại tổ chức 02 hội nghị. Chị D muốn biết việc tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân 02 lần/năm có đúng không Vì sao?

Trả lời:

Đúng vì theo Điều 125 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân ở địa phương về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương; trường hợp quy mô đơn vị hành chính cấp xã quá lớn, có thể tổ chức trao đổi, đối thoại với Nhân dân theo từng cụm thôn, tổ dân phố. Ủy ban nhân dân phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố về thời gian, địa điểm, nội dung của hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân chậm nhất là 07 ngày trước ngày tổ chức hội nghị.

Như vậy, việc xã P tổ chức hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân trên địa bàn 02 lần/năm là đúng quy định pháp luật.

 

Xem thêm: Bộ Tư pháp
https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/cau-chuyen-phap-luat.aspx

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lâm Sáng Tươi - Giám đốc Sở Tư pháp - Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan trường trực: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
Địa chỉ: Số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
Điện thoại: 0294 3866409   Email: pbgdpltravinh@travinh.gov.vn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 301
  • Tất cả: 450790