Chào mừng Quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Trà Vinh! - Trang thông tin điện tử đang trong quá trình xây dựng và cập nhật thông tin, rất mong nhận được sự góp ý và quan tâm của Quý bạn đọc!
Trà Vinh tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Lượt xem: 303

Qua ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (gọi tắt là Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Thông tư số 07/2017/TT-BTP ngày 28/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (gọi tắt là Thông tư số 07/2017/TT-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 04/8/2017 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành kế hoạch thực hiện quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Quyết định số 1476/QĐ-UBND của UBND tỉnh) đã góp phần quan trọng hoàn thành tốt chỉ tiêu 18.5 (xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật) thuộc Tiêu chí 18 (Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật) của Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Để tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2020, ngày 03/3/2020 Sở Tư pháp ban hành Công văn số 369/STP-VBPB&TDTHPL gửi các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện về việc phối hợp tiếp tục tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định.

Thời gian qua, việc xét, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhìn chung được UBND cấp huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác này từng bước đi vào thực chất, hiệu quả đáng ghi nhận, số lượng các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được công nhận hàng năm đều tăng lên về số lượng([1]). Tuy nhiên, việc đánh giá, xét công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cuối năm 2019 một số huyện kéo dài đến tháng 02 năm sau, chưa đảm bảo tiến độ theo thời gian quy định; đồng thời qua kiểm tra thực tế hàng năm của Sở Tư pháp về công tác này cho thấy tại một số xã thực hiện còn hạn chế như: phân bổ kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) chưa đảm bảo; việc ban hành kế hoạch, văn bản triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật theo chỉ đạo của cấp trên từng lúc chưa kịp thời theo tiến độ; ban hành kế hoạch PBGDPL tại địa phương hàng năm có nơi còn trễ hạn so với thời gian quy định chậm nhất là ngày 31/01 và kế hoạch PBGDPL cho đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã theo quy định của Luật PBGDPL hoặc lồng ghép nội dung này trong kế hoạch PBGDPL hàng năm tại một số xã vẫn chưa thực hiện đầy đủ theo kế hoạch đề ra. Việc xây dựng, thực hiện chuyên mục thông tin, PBGDPL qua mạng lưới phát thanh, truyền thanh của cấp xã, loa truyền thanh cơ sở chưa được tổ chức thường xuyên định kỳ hàng tuần. Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở được các Tổ hòa giải ở cơ sở tiếp nhận đưa ra hòa giải một số nơi tỷ lệ hòa giải thành còn thấp đã kéo theo tỷ lệ hòa giải thành của một số huyện (dưới 80%) chưa đạt chỉ tiêu thi đua do Bộ Tư pháp quy định. Việc thanh toán, quyết toán chế độ chi thù lao cho hòa giải viên ở cơ sở thực hiện đúng định mức quy định, tuy nhiên hỗ trợ khác như văn phòng phẩm, nước uống các cuộc họp hòa giải và biểu dương, khen thưởng hàng năm ở một số xã thực hiện chưa đầy đủ theo quy định để động viên, khuyết khích hòa giải viên ở cơ sở. Việc đánh giá, xét công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm đối với các xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hầu hết đều có hạn chế chung là chưa đủ điều kiện theo quy đinh quy tại điểm d khoản 1 Điều 6 Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Sở Tư pháp đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện và các sở, ngành tỉnh có liên quan phối hợp Sở Tư pháp lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ UBND cấp xã thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như:

Một, Về thực hiện tiêu chí đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng, ban hành kế hoạch, văn bản triển khai nhiệm vụ được giao để thi hành Hiến pháp, pháp luật và theo chỉ đạo của cấp trên đúng yêu cầu, tiến độ. Ban hành văn bản của Đảng ủy, UBND cấp xã hàng năm về công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cấp xã; bảo đảm, không để xảy ra trọng án, kiềm chế, giảm tội phạm và tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút...) trên địa bàn. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định pháp luật.

Hai, Về thực hiện tiêu chí giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã. Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức thực hiện niêm yết công khai đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính; bố trí địa điểm, công chức tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo đầy đủ trang thiết bị của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo quy định. Giải quyết các thủ tục hành chính; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về giải quyết các thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, thời hạn quy định. Chú trọng nâng cao đạo đức công vụ và thái độ phục vụ, ứng xử, giao tiếp, tinh thần trách nhiệm của công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã nhằm giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và đảm bảo sự hài lòng về thái độ phục vụ của công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Ba, Về thực hiện tiêu chí PBGDPL. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động PBGDPL cho cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn cấp xã bằng hình thức phù hợp; chú trọng việc PBGDPL cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã theo quy định của Luật PBGDPL như: PBGDPL cho người dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đối tượng là nạn nhân bạo lực gia đình, người có hành vi bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và người bị phạt tù được hưởng án treo... Thực hiện công khai theo quy định hoặc theo Danh mục thông tin phải được công khai đối với văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung liên quan trực tiếp đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn (trừ văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước); cung cấp đầy đủ thông tin pháp luật thuộc trách nhiệm phải cung cấp của UBND cấp xã theo quy định và qua hoạt động của người phát ngôn.

Tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ, kịp thời các văn bản, chính sách mới ban hành có nội dung liên quan đến thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã bằng hình thức phù hợp. Xây dựng, thực hiện chuyên mục thông tin, PBGDPL qua mạng lưới phát thanh, truyền thanh cấp xã, loa truyền thanh cơ sở (cố định hoặc lưu động) theo định kỳ hàng tuần; xây dựng, quản lý, khai thác có hiệu quả Tủ sách pháp luật đối với xã thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 và bố trí kinh phí đảm bảo cho Tủ sách pháp luật theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; huy động các câu lạc bộ pháp luật, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm và câu lạc bộ nông dân, phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh… để tham gia phổ biến, cung cấp thông tin pháp luật cho người dân. Tổ chức đối thoại chính sách, pháp luật theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Quan tâm bố trí kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL trên địa bàn cấp xã (từ nguồn kinh phí ngân sách xã hàng năm và các nguồn huy động hỗ trợ, tài trợ khác cho công tác PBGDPL theo tinh thần xã hội hóa). Các chế độ chi, thanh toán, quyết toán và sử dụng kinh phí thực hiện công tác PBGDPL, xây dựng cấp xã đạt đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện theo quy định Nghị quyết số 05/2014/NQ-HĐND ngày 18/7/2014 của HĐND tỉnh và Quyết định số 18/2014/QĐ-UBND ngày 04/9/2014 của UBND tỉnh quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Bốn, Về thực hiện tiêu chí hòa giải ở cơ sở. Chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, khóm thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở (bổ sung, thay thế hòa giải viên) đảm bảo Tổ hòa giải đủ số lượng, thành phần, tiêu chuẩn và quy trình thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 11, Điều 12, Điều 14 của Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Hỗ trợ tài liệu PBGDPL cho các Tổ hòa giải ở cơ sở; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, cung cấp tài liệu nghiệp vụ hòa giải cho các Tổ hòa giải ở cơ sở nhằm phục vụ công tác hòa giải. Quan tâm bố trí kinh phí đảm bảo công tác hòa giải ở cơ sở, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động các Tổ hòa giải và hòa giải viên từ nguồn kinh phí ngân sách sách cấp xã hàng năm để thực hiện tốt nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở; đảm bảo chi thù lao cho hòa giải viên đúng định mức quy định tại Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 09/01/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên biểu dương, khen thưởng các Tổ hòa giải và hòa giải viên thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở có tỷ lệ hòa giải thành đạt 70% trở lên theo tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 23/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Năm, Về chọn xã điểm để chỉ đạo; kiểm tra, giám sát; tổ chức tổng kết, khen thưởng cấp xã thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật

Chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp UBND cấp xã mỗi năm chọn ít nhất 01 xã điểm để chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, triển khai mô hình xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020; việc chọn xã điểm có thể lựa chọn trong số các xã đăng ký thực hiện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các xã còn hạn chế, khó khó khăn về thực hiện các tiêu chí qua đánh giá, xem xét để công nhận mà chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2019 hoặc còn một số hạn chế về kết quả thực hiện các tiêu chí để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ UBND xã đó thực hiện tốt hơn công tác xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong năm 2020.

UBND cấp huyện tổ chức xét, quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn hàng năm hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 25 tháng 01 của năm liền kề sau năm đánh giá đúng theo quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời công bố danh sách cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, danh sách cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên Trang tin điện tử của địa phương chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định công nhận; gửi báo cáo danh sách xã đạt, xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật kèm theo quyết định của UBND cấp huyện gửi Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Tư pháp để đăng trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh và của Sở Tư pháp theo quy định. Tổ chức tự kiểm tra theo thẩm quyền gắn với tập huấn, hướng dẫn thực hiện công tác này tại địa phương, kịp thời uốn nắn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. 

Phòng Tư pháp làm đầu mối tham mưu, giúp UBND cùng cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương và tổng kết công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hàng năm và tổng kết 04 năm giai đoạn 2017 - 2020 về thực hiện công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn gửi Sở Tư pháp trước 10/11/2020  để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

Nguồn: Tiến Phát

 



[1] Năm 2017 toàn tỉnh có 88/106 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 83%); năm 2018 có 98/106 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 92,45%), tăng 10 xã so với năm 2017; năm 2019 có 104/106 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 98,11%), tăng 06 xã so với năm 2018.

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lâm Sáng Tươi - Giám đốc Sở Tư pháp - Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan trường trực: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
Địa chỉ: Số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
Điện thoại: 0294 3866409   Email: pbgdpltravinh@travinh.gov.vn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 1 542
  • Tất cả: 450530