Chào mừng Quý bạn đọc đến với Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Trà Vinh! - Trang thông tin điện tử đang trong quá trình xây dựng và cập nhật thông tin, rất mong nhận được sự góp ý và quan tâm của Quý bạn đọc!
Trà Vinh: Tổng kết 5 năm thi hành luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh
Lượt xem: 1363
Ngày 29/01/2019, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch số 370/KH-BTP  về việc tổng kết 5 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013; trên cơ sở đó, ngày 14/3/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 24/KH-UBND tổng kết 5 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, làm đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tổng kết 5 năm thi hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, đánh giá những kết quả đạt được, những mặt tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Luật hòa giải ơ cơ sở; đề xuất, kiến nghị giải pháp thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực.
Từ khi Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở được ban hành, Chủ tịch UBND tỉnh bàn hành Quyết định số 772/QĐ-UBND ngày 14/5/2015 Kế hoạch triển khai thi hành Luật hộ tịch, Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình để tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành từng bước đưa những quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành vào thực tiễn đời sống, xã hội tại địa phương. Tiếp theo đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 748/QĐ-UBND ngày 12/5/2017 về việc ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh để các ngành, các cấp có sự phối hợp chặt chẽ hơn đối với công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Đặc biệt, công tác hòa giải ở cơ sở được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 23/6/2016 chỉ đạo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Thời gian qua, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện trực tiếp thông qua hình thức hổ biến tại các cuộc họp, hội nghị triển khai Luật, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, tập huấn trực tiếp cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, lồng ghép thông qua các cuộc hội, họp ở cơ sở hàng năm, thông qua công tác truyền thông trợ giúp pháp lý, tuyên truyền trên các báo, Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, thông qua các tin, bài hình ảnh có liên quan về công tác hòa giải ở cơ sở trong Tờ tin Tư pháp, Trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị, địa phương, tuyên truyền trên các trạm truyền thanh ở cơ sở… Qua công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật hòa giải ở cơ sở và văn bản hướng dẫn thi hành, nhìn chung các ngành, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh có sự quan tâm nhiều hơn đến công tác hòa giải ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như trong việc tăng cường triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác hòa giải ở cơ sở tại các địa phương.

Ngay sau khi có Luật hòa giải ở cơ sở, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở từng bước được củng cố, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả hơn. Hiện nay toàn tỉnh có 116 người được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở, hầu hết là kiêm nhiệm, trong đó (cấp tỉnh 01 công chức, cấp huyện có 09 công chức, cấp xã 106 công chức Tư pháp - Hộ tịch) thực hiện việc theo dõi, quản lý công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Về trình độ chuyên môn của đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở đều đã qua trung cấp luật trở lên. Đa số công chức cấp xã được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở đều được tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về hòa giải ở cơ sở do Sở Tư pháp tổ chức hàng năm.

05 năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, UBMT Tổ quốc các cấp trong lãnh đạo, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, kiện toàn thường xuyên các tổ hòa giải, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hàng năm nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tính đến nay, toàn tỉnh đã kiện toàn hiện có 816 tổ hòa giải ở cơ sở, tổng số 6.442 hòa giải viên được công nhận theo quy định của pháp luật. Các tổ hòa giải đều lựa chọn bầu người có uy tính, trình độ hiểu hiểu biết về pháp luật để làm hòa giải viên theo đúng tiêu chuẩn quy định của Luật hòa giải ở cơ sở (cơ cấu mỗi tổ hòa giải có hòa giải viên nữ; đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ cấu hòa giải viên là người dân tộc thiểu số). Hiện nay, đa số các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh cơ bản có đầy đủ các thành phần tham gia như: Trưởng ban nhân dân ấp, khóm, Ban công tác Mặt trận, Đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Nông dân, Chi hội người cao tuổi và những người có uy tín trong cộng đồng Nhân dân.

Trong thời  gian qua, Sở Tư pháp tỉnh phối hợp UBND cấp huyện đã kịp thời triển khai, tập huấn hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên của các địa phương trên địa bàn tỉnh, đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng và tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi tổng số có 6.888 đại biểu tham gia, cụ thể từ 2014-2019: Sở Tư pháp tập huấn, bồi dưỡng  cho 1.650 đại biểu; cấp phát 8.800 quyển Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải ở cơ sở; biên soạn, phát hành 44.750 quyển tài liệu cho cán bộ, công chức, viên chức, công chức Tư pháp - Hộ tịch, hòa giải viên; cấp phát 800 đầu sách pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở. Phát hành 36.000 cuốn Tờ tin Tư pháp để tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và hoạt động có liên quan đến công tác hòa giải cơ sở. Năm 2016, Sở Tư pháp đã tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi cấp tỉnh có 08 đội đại diện cho 08 huyện, thị, thành phố tham gia với 49 hòa giải viên dự thi, thu hút hơn 300 lượt người đến dự xem và cổ vũ. Qua Hội thi đã tuyển chọn được những hòa giải viên nổi trội, xuất sắc thành lập Đội tham gia Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần III khu vực Miền Nam do Bộ Tư pháp tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết quả Đội dự thi đạt giải Khuyến khích. Huyện Càng Long tổ chức Hội thi “Hòa giải viên giỏi” của cấp xã các năm 2016 - 2017 có 267 đội thi với 1.335 thí sinh dự thi và có trên 1.870 lượt người đến xem, cổ vũ. Tại cấp huyện, huyện Càng Long và huyện Cầu Ngang đã tổ chức thành công Hội thi hòa giải viên giỏi cấp huyện từ năm 2015 đến năm 2018 có 101 đội dự thi với 595 thí sinh tham gia thi, thu hút hơn 1.500 lượt cổ động viên đến xem và cổ vũ. Kết quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận tổng cộng 14.544 vụ, việc yêu cầu thực hiện hòa giải, trong đó đã thực hiện hòa giải được 11.915 vụ, việc, hòa giải thành là 8.431 vụ, việc (đạt tỷ lệ bình quân hòa giải thành ở cơ sở đạt 70,75%).


Huyện Càng Long trao Giấy khen các hòa giải viên ở cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2018


Qua 05 năm triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, có tác dụng tác động tích cực đến đời sống, kinh tế, xã hội của địa phương, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp. Công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự nổ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp trong tổ chức triển khai, phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở từng bước nâng cao tỷ lệ hòa giải thành đạt từ hàng năm từ 70% trở lên đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh tại Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 23/6/2016. Hiện tại, hầu hết các ấp, khóm trên địa bàn tỉnh đều có thành lập tổ hòa giải ở cơ sở, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tổ hòa giải ngày càng nâng cao. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã kịp thời giải quyết nhiều vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình làng, nghĩa xóm, phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.

Các tranh chấp, mâu thuẫn được phát hiện, hòa giải, giải quyết kịp thời đã góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua các cuộc hòa giải giúp người dân nhận thức pháp luật tốt hơn, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, phòng ngừa tội phạm. Từ đó, góp phần xây dựng tốt phong trào “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, chung tay xây dựng các phong trào, các cuộc vận động tại cộng đồng dân cư, đặc biệt là thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, từ đó đến nay toàn tỉnh có trên 40 xã được UBND tỉnh công nhận xã nông thôn mới. Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, đặc biệt là cộng đồng người dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ (gần 32% dân số của tỉnh), vì vậy việc áp dụng mô hình bầu chọn, đưa những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc hoặc những vị chức sắc tôn giáo vào tham gia làm hòa giải viên cơ sở, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động hòa giải các vụ, việc, tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng người dân tộc đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong hoạt động hòa giải ở cơ sở của địa phương. Đây cũng là một trong những cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực mà địa phương đang khai thác và phát huy nhân rộng.

Trong xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống nhân dân ngày càng nhiều, đa dạng, tình hình mâu thuẫn, tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp, tăng cao. Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong giải quyết mâu thuẫn giữa các bên, cũng như có sự can thiệp của các cấp chính quyền địa phương trong việc đi đến sự thống nhất, ôn hòa cho các bên. Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng, phù hợp với thực tiễn để các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phạm vi cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh nói riêng đã tổ chức triển khai, quán triệt và chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong việc thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua sau khi Luật ra đời; là nền tản trong hoạt động hòa giải của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở làm căn cứ để áp dụng thực hiện trong công tác hòa giải. Đến nay, công tác hòa giải ở cơ sở cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn xã hội tại địa phương, đồng thời hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu nại  gửi vượt cấp, góp phần giảm tải “gánh nặng” cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, xử lý và xét xử vụ việc yêu cầu của người dân.

Nhìn chung, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh từ khi triển khai thực hiện Luật hòa giải cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đến nay đã có sự tác động rất lớn làm chuyển biến tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Các vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong xã hội được giải quyết thỏa đáng thông qua hình thức hòa giải ở cơ sở. Phương thức hòa giải tranh chấp, mâu thuẫn bằng việc đàm phán, tự thương lượng, tự thỏa thuận và tự hòa giải với nhau phù hợp với truyền thống tốt đẹp, phong tục, tập quán của dân tộc. Tình làng, nghĩa xóm được tăng cường, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, thúc đẩy phong trào tự quản của quần chúng nhân dân phù hợp với các quy định của Luật, góp phần xây dựng thành công ấp, khóm văn hóa, xã, phường thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, văn minh đô thị... cộng đồng chia sẻ trách nhiệm, khó khăn, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, phương tiện lao động sản xuất, hỗ trợ vốn lẫn nhau, từ đó làm cho mỗi gia đình an tâm lao động, tăng gia sản xuất góp phần xóa đói, giảm nghèo làm thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai thi hành Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác hòa giải ơ cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số khó khăn và hạn chế nhất định như: Trình độ pháp luật của hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều; một số còn hạn chế về năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. Khả năng vận động, thuyết phục của hòa giải viên chưa cao, đôi khi còn lúng túng trong quá trình thực hiện hòa giải khi gặp phải những vụ việc có tính chất khó khăn, phức tạp, do đó hiệu quả trong hòa giải đôi lúc chưa đạt yêu cầu. Việc tham dự tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ về hòa giải của hòa giải viên ở một số địa phương chưa đông đủ; hòa giải viên chưa tích cực cập nhật kiến thức pháp luật mới; tài liệu phục vụ trong hoạt động hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, nên ít nhiều làm ảnh hưởng đến kết quả hòa giải.

Nguyên nhân là đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động, thay đổi, các hòa giải viên làm công tác kiêm nhiệm nên thời gian tập trung nghiên cứu chưa nhiều. Chế độ thù lao cho tổ hòa giải còn thấp, một số địa phương chưa đảm bảo về mức chi thù lao kịp thời cho hoạt động hòa giải nên chưa kích thích, động viên tinh thần tích cực tham gia hoat động của hòa giải viên, vì vậy chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của hòa giải viên tham gia hoạt động hòa giải. Nguyên nhân chủ quan là một vài địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh, chỉ đạo trong công tác hòa giải ở cơ sở, chưa phát huy hết vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác hòa giải trong đời sống nhân dân; chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở một số nơi chưa đạt theo yêu cầu đặt ra; một số địa phương ở cơ sở còn thiếu nhiều hòa giải viên nhưng chưa được củng cố, kiện toàn. Công tác khen thưởng đối với hoạt động hòa giải chưa kịp thời, có những nơi, hòa giải viên hoạt động rất nhiệt tình, năng nổ, tỷ lệ hòa giải thành rất cao, góp phần giảm tải áp lực cho chính quyền địa phương rất nhiều nhưng chưa được khen thưởng kịp thời, động viên và khích lệ tinh thần. Vì vậy chưa khích thích được tinh thần hăng hái, nhiệt tình tham gia hòa giải ở cơ sở.

Việc tồn tại những hạn chế trên là do sự nhận thức và quan tâm của cấp ủy, chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; một số nơi chưa có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và các thành viên của Mặt trận trong việc kiện toàn, củng cố tổ hòa giải ở cơ sở, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở. Một vài trường hợp tổ hòa giải áp dụng chưa đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình hòa giải, vì vậy ảnh hưởng đến kết quả hòa giải; hòa giải viên thường dựa vào kinh nghiệm, ít đầu tư và chưa nghiên cứu sâu các văn bản pháp luật nên hòa giải đạt được kết quả chưa cao. Kết quả hòa giải không có tính bắt buộc và chưa thật sự trở thành những cam kết chung để các bên tranh chấp, mâu thuẫn nghiêm chỉnh thực hiện. Một số địa phương ngân sách còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Từ những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới thi cần phải rút ra một số bài học kinh nghiệm cho công tác này như sau:

Một là, Người làm công tác hòa giải phải nhận thức đúng đắn, rõ ràng về vai trò, tầm quan trọng của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ; phải luôn nêu tinh thần phục vụ nhân dân, tận tụy với công việc, kiên trì, không ngại khó, ngại khổ, có thái độ vô tư, trung thực, khách quan khi nhìn nhận sự việc trong khi thực hiện nhiệm vụ hòa giải vụ việc cho người dân. Hòa giải viên trước hết phải là người có phẩm chất đạo đức, am hiểu kiến thức pháp luật, có uy tín trong xã hội, gương mẫu chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách Nhà nước, được người dân ở cơ sở tín nhiệm và quý trọng. Khi được người dân yêu cầu, bầu chọn làm hòa giải viên, thì người là hòa giải viên cần nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng, và tính chất của công việc mà người dân tin tưởng bầu chọn, phải nhiệt tình và tận tụy với công việc.

Mỗi hòa giải viên cần phải biết phân biệt vụ, việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào thuộc trách nhiệm của hòa giải viên, nếu không nhận thức được điều này sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy công việc hoặc tiếp nhận hòa giải những vụ việc không đúng phạm vi, trách nhiệm hòa giải ở cơ sở sẽ dẫn đến tình trạng kiện tụng kéo dài. Về phương pháp hòa giải, phải luôn luôn dựa trên tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái, tôn trọng lẽ phải và chấp hành pháp luật. Trong đó, quá trình chuẩn bị hòa giải, hòa giải viên cần chủ động tìm hiểu, xác minh nắm vững sự việc cần hòa giải, trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các bên để xác định hướng hòa giải đúng và phù hợp, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thấu tình đạt lý cho các bên. Ngoài ra, sẽ căn cứ vào từng loại việc mâu thuẫn mà chọn địa điểm và thời điểm cho phù hợp; có vụ việc cần phải mời đến trụ sở làm việc, có vụ việc tổ chức tại nhà người dân, hay ở nhà một trong các bên mâu thuẫn. Nếu làm tốt công tác chuẩn bị thì kết quả hòa giải thành đạt hiệu quả cao.

Hai là, Để  đảm bảo cho công tác hòa giải ở cơ sở những năm tiếp theo đạt được kết quả tốt hơn, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần phải có một số giải pháp cụ thể như sau: Trung ương cần có quy định tăng mức chi thù lao cho hòa giải viên cho phù hợp tình hình hiện nay đối với vụ, việc hòa giải thành và hòa giải không thành/tổ hòa giải. Đối với địa phương bố trí đủ kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; phát huy vay trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc các cấp trong kiểm tra, giám xác, phản biện xã hội đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên giới thiệu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới có hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở để địa phương triển khai, nghiên cứu áp dụng thực hiện. Tổ chức giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở giữa các địa phương với nhau, nhất là những địa phương có nhiều sáng kiến mới mang lại hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Ba là, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trong Nhân dân, góp phần làm hạn chế phát sinh vụ, việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong nội bộ Nhân dân; tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp, mọi tầng lớp Nhân dân tích cực ủng hộ và tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng cho đội ngũ hoà giải viên, nhất là tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác hòa giải ở cơ sở. Hướng dẫn kỹ năng ghi biên bản, lập hồ sơ lưu trữ trong hoạt động hòa giải cho các tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở. Hàng năm, chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, hoặc tổ chức theo chuyên đề để cập nhật kịp thời những văn bản pháp luật mới, các văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân. Nội dung tập huấn phải chuyên sâu, phù hợp với tình hình công tác hoà giải ở địa phương.

Bốn là, Tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hoà giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật giỏi với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động, phù hợp với từng vùng, miền trong phạm vi cả nước. Các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên là một trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật có sức hấp dẫn và hiệu quả, thông qua các hội thi những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sinh động. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải hay được lan tỏa, nhân rộng. Ngoài ra, có thể tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên môn định kỳ cho các hoà giải viên ở cơ sở, đưa công tác hoà giải lồng ghép vào các hoạt động phong trào khác như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Năm là, Cung cấp tài liệu pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên. Việc cung cấp thông tin pháp luật, tài liệu văn bản pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hoà giải ở cơ sở. Tài liệu gồm các đề cương tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; Sổ tay nghiệp vụ hoà giải; báo chí về pháp luật; Sách hỏi - đáp pháp luật phổ thông; tờ rơi, tờ gấp và các tài liệu cần thiết khác. Nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cần tập trung vào các nội dung về nguyên tắc hòa giải, phạm vi hòa giải, ý nghĩa, các bước hòa giải ở cơ sở; kỹ năng ghi biên bản và lập hồ sơ lưu trữ. Thường xuyên bổ sung đầu sách cho tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn để có nguồn văn bản cho các hoà giải viên ở cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức pháp luật đối với các lĩnh vực có liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Sáu là, Tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở gắn với việc tổ chức sơ kết, tổng kết về hoạt động hoà giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm. Đây là công việc cần thiết phải làm thường xuyên để theo dõi tổng hợp, đánh giá về tổ chức và hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, mặt khác đây còn là diễn đàn để các hoà giải viên ở cơ sở có thể trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau, giúp nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác hoà giải. Đồng thời, qua việc sơ kết, tổng kết về hoạt động hòa giải ở cơ sở giúp địa phương có điều kiện hiểu rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, kết quả của công tác hòa giải ở cơ sở.

Nguồn: Trường Sang

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Lâm Sáng Tươi - Giám đốc Sở Tư pháp - Trưởng Ban Biên tập
Cơ quan trường trực: Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh
Địa chỉ: Số 4, đường Lê Thánh Tôn, P2, TPTV, tỉnh Trà Vinh
Điện thoại: 0294 3866409   Email: pbgdpltravinh@travinh.gov.vn

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 32
  • Trong tuần: 786
  • Tất cả: 450703